Xuất sắc dẫn đầu với cả 3 phần thi Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và vượt qua phần thi Về đích, thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ đã chạm tay vào vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2022.
[links()]
Đặng Lê Nguyên Vũ (Trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) xuất sắc giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2022 - Ảnh: NGUYÊN BẢO |
Những phút cuối "nín thở"
Khởi đầu với phần thi Khởi động, Nguyên Vũ mở màn ấn tượng với số điểm 75. Xếp thứ 2 là Nguyên Sơn giành 50 điểm. Anh Đức xếp thứ 3 với 40 điểm và Đình Tùng xếp thứ 4 với số điểm 30.
Phần Vượt chướng ngại vật vô cùng gay cấn với ô chữ 16 chữ cái. Dù chưa lật mở gợi ý đầu tiên, Đình Tùng đã ấn chuông xin trả lời với đáp án: "Phát triển bền vững".
Tuy nhiên, chàng trai đến từ Hải Phòng chưa trả lời chính xác và phải dừng phần thi.
Ba thí sinh: Nguyên Sơn, Nguyên Vũ, Anh Đức tiếp tục lật mở hết các gợi ý.
Sau khi trả lời gợi ý cuối cùng, cả hai thí sinh Nguyên Sơn và Anh Đức đều ấn chuông xin trả lời.
Nguyên Sơn xuất sắc trả lời đúng Vượt chướng ngại vật với đáp án: Tiêu lệnh chữa cháy.
Phần Tăng tốc chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các thí sinh. Nguyên Vũ vẫn tiếp tục dẫn đầu với 175 điểm. Nguyên Sơn và Anh Đức theo sát nhau với thứ tự 140 điểm và 130 điểm. Đứng thứ 4 là Đình Tùng với 90 điểm.
Cuối cùng là phần thi Về đích. Nguyên Vũ là nhà leo núi đầu tiên bước vào phần thi này với gói 60 điểm: 20 - 20 - 20.
Trả lời câu hỏi thứ nhất đúng 20 điểm. Vũ lựa chọn ngôi sao hy vọng ở câu thứ 2 nhưng không trả lời đúng. Câu thứ 3 nhà leo núi cũng không vượt qua được. Vũ hoàn thành phần Về đích của mình với số điểm giữ nguyên 175 điểm.
Thí sinh Nguyên Sơn bước vào phần thi Về đích với gói câu hỏi 20 - 30 - 20 điểm. Câu hỏi đầu tiên có giá trị 20 điểm. Bạn không trả lời đúng. Câu hỏi thứ 2 có giá trị 30 điểm, Sơn cũng không trả lời được. Anh Đức ấn chuông xin giành quyền trả lời nhưng đáng tiếc không trả lời đúng và bị trừ điểm, chỉ còn 105 điểm.
Câu thứ 3 Sơn trả lời đúng với nhà giàn DK1. Với phần thi của mình, Nguyên Sơn xuất sắc về đích với số điểm 170.
Nhà leo núi thứ 3 bước vào phần Về đích là Anh Đức với gói 20 - 30 - 30. Với câu đầu tiên, Đức không trả lời đúng. Đình Tùng ấn chuông xin trả lời nhưng không chính xác.
Với câu thứ hai, Đức cũng không trả lời đúng. Đình Tùng tiếp tục ấn chuông xin trả lời nhưng cũng không chính xác.
Đức chọn ngôi sao hy vọng ở câu thứ 3 nhưng không trả lời được. Nguyên Sơn ấn chuông xin trả lời nhưng không trả lời đúng và bị trừ điểm. Anh Đức về đích với 75 điểm.
Về đích cuối cùng là nhà leo núi đến từ Hải Phòng. Đình Tùng chọn gói 30 - 30 - 30 điểm.
Đình Tùng trả lời đúng câu hỏi đầu tiên, xuất sắc giành thêm 30 điểm.
Với câu hỏi số 2, Đình Tùng không trả lời đúng. Nguyên Sơn nhấn chuông xin trả lời "Hồ Xuân Hương", lội ngược dòng vượt qua Nguyên Vũ với số điểm 185. Lúc này khán giả bắt đầu "nín thở", không ít người nghĩ vòng nguyệt quế sẽ "quay xe" về Hà Nội.
Với câu số 3, Đình Tùng cũng không trả lời được. Nguyên Vũ nhanh tay nhấn chuông xin trả lời và xuất sắc đạt 205 điểm.
Chung cuộc, Nguyên Vũ đứng thứ nhất với 205 điểm. Đứng thứ hai là Nguyên Sơn 185 điểm. Anh Đức đứng thứ ba với 75 điểm và đứng thứ tư là Đình Tùng 35 điểm.
Bốn nhà leo núi trên bục nhận thưởng - Ảnh: NGUYÊN BẢO |
Trong số bốn nhà leo núi tranh tài trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 22 tổ chức sáng 2-10, chỉ có thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ (Trường THPT Bắc Duyên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) không phải là học sinh trường chuyên.
Thế mạnh của Vũ là toán và tiếng Anh cùng với khả năng đọc và tư duy rất nhanh nên còn được biết đến với biệt danh "vua tốc độ" trong hành trình chinh phục đỉnh Olympia của mình.
Vũ cho biết ước mơ chinh phục Olympia bắt đầu từ khi theo dõi trận chung kết năm thứ 11. Tuy nhiên, tới năm lớp 7-8 thì cậu đánh mất đam mê này cho đến trận chung kết năm thứ 20 của Olympia, Đặng Lê Nguyên Vũ nhớ lại và nghĩ "giờ là lúc chuẩn bị nghiêm túc cho giấc mơ" nên quyết định đăng ký với nhà trường để được tham gia cuộc thi.
Sinh ra trong gia đình có bố là bộ đội, mẹ làm cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội nên phong thái cùng tính cách của người bố ảnh hưởng rất nhiều đến Vũ với sự quyết đoán, ý thức tự giác.
Đặng Lê Nguyên Vũ (Trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) vui mừng khi xuất sắc giành được điểm số cao nhất chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022 - Ảnh: NGUYÊN BẢO |
Bản thân Vũ là học sinh giỏi nhiều năm liền và từng thi học sinh giỏi toán, giành huy chương vàng Olympic tiếng Anh năm 2016. Ngoài khả năng tư duy nhanh ở những môn tự nhiên, lượng kiến thức hiểu biết về xã hội của Vũ cũng rất rộng.
Thầy cô và các bạn đều rất vui khi Vũ đã mang về cầu truyền hình Olympia đầu tiên cho tỉnh Thái Bình sau nhiều năm chờ đợi.
Tiết lộ về cách học của bản thân trước đó, Nguyên Vũ cho biết em không có phương pháp nào quá nổi bật, chỉ là tập trung trên lớp, có điều gì mới hoặc thú vị thì ghi lại và chăm xem thời sự, báo chí để bổ sung kiến thức xã hội.
"Thực tế, em nghĩ em không quá chăm chỉ, thậm chí là hơi lười một chút. Do đó, em luôn cố gắng sắp xếp thời gian để học và làm việc nhanh, để giải quyết được nhiều việc hơn, thu được nhiều kiến thức hơn" - Vũ chia sẻ.
Bà Vũ Thị Ngân - hiệu trưởng Trường THPT Bắc Duyên Hà - bày tỏ xúc động khi lần đầu tiên điểm cầu chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022 về Thái Bình, là động lực tiếp sức cho học sinh nhà trường phấn đấu học tập, thêm yêu mái trường.
Để cổ vũ, tiếp sức cho Đặng Lê Nguyên Vũ, huyện Hưng Hà đã chuẩn bị sân khấu với diện tích gần 300m² trải 100 chiếc chiếu hoa cùng với nhạc cụ chèo, cờ quạt ngũ sắc... là "điểm nhấn" đặc biệt nhằm tái hiện một kỳ thi "sát hạch" nhân tài khắt khe dưới thời nhà bác học Lê Quý Đôn.
Trường THPT Bắc Duyên Hà đã triệu tập 500 học sinh tham gia văn nghệ và thành lập đội cổ vũ với 2.500 học sinh tại điểm cầu ở Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà.
Ngày 2-10, bất chấp thời tiết mưa nặng hạt, hàng ngàn học sinh, người dân trên địa bàn huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã đội mưa đến Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn để cổ vũ, "tiếp lửa" cho nhà leo núi Đặng Lê Nguyên Vũ.
Nói về người bạn học, Lương Tuấn Long (bạn học cùng lớp với Nguyên Vũ) cho biết ở lớp, "ông trùm cà phê" (biệt danh bạn học đặt cho Nguyên Vũ vì trùng tên với một doanh nhân kinh doanh cà phê) là người hoạt động sôi nổi, hòa đồng.
Ấn tượng của Long về Vũ là một người có trí nhớ rất tốt, học giỏi tất cả các môn nhưng bạn không hề kiêu ngạo, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong lớp.
"Với cá nhân em thì kết quả thi của Vũ có như thế nào thì cậu ấy cũng đã là nhà vô địch trong lòng bạn bè và thầy cô" - Long chia sẻ cảm xúc.
Theo
PV/Tuoitre.vn