(Baoquangngai.vn)- Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới tại khối lớp 1, 2, 3, nhưng do thiếu giáo viên nên nhiều trường tiểu học phải giảm số tiết của môn học tiếng Anh đối với khối lớp 4, lớp 5. Theo đó, môn tiếng Anh từ 4 tiết/tuần giảm xuống chỉ còn 1 - 2 tiết/tuần, khiến học sinh và phụ huynh lo lắng.
[links()]
Học sinh hụt hẫng, giáo viên trăn trở
Ðể học giỏi tiếng Anh, việc được học và thực hành môn ngoại ngữ này ngay từ bậc tiểu học có vai trò rất quan trọng. Ở lớp 3, hầu hết các trường trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đều học môn tiếng Anh 4 tiết/tuần nên nhiều học sinh rất thích thú. Tuy nhiên, khối lớp 4, lớp 5, học sinh chỉ còn học 1 - 2 tiết/tuần với môn học này. Việc giảm thời lượng dạy và học môn tiếng Anh khiến học sinh tiếc nuối, giáo viên trăn trở.
Chị Phan Hoàng Trang có con học lớp 5 của Trường Tiểu học Trần Phú cho biết, khi cô giáo chủ nhiệm thông báo thời khóa biểu mới, môn tiếng Anh chỉ còn 1 tiết/tuần, không kiểm tra, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ khiến con chị rất buồn. “Cháu rất thích học tiếng Anh, bởi phương pháp dạy mới nên tiết học rất hấp dẫn, sinh động, vui vẻ. Nay trường giảm chỉ còn 1 tiết/tuần khiến cháu rất buồn, không còn động lực để học. Việc giảm thời lượng học môn tiếng Anh, không kiểm tra, đánh giá môn học này tôi thấy không hợp lý”, chị Trang bày tỏ.
Các trường đồng loạt giảm thời lượng môn tiếng Anh với lớp 4, 5 vì thiếu giáo viên. |
Cũng như con chị Trang, em Nguyễn Thành Nhân, học sinh lớp 5D, Trường Tiểu học Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) bày tỏ, ở lớp 3, lớp 4, ngày nào cũng được học môn tiếng Anh. Với cách dạy mới của cô giáo, chúng em rất thích học và phát triển kỹ năng nghe và nói tốt hơn. Năm học này, tiếng Anh chỉ còn 2 tiết/tuần em thấy rất buồn”.
Là giáo viên tiếng Anh, cô Mạc Thảo Chi, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Lộ cũng trăn trở trước thực tế này. Theo cô Chi, với Chương trình Giáo dục phổ thông mới, sách tiếng Anh có sự kế thừa kiến thức từ lớp 3 lên lớp 4, lớp 4 lên lớp 5 và lớp 5 lên lớp 6. “Với môn tiếng Anh, dạy 1 - 2 tiết/tuần là không đủ giúp học sinh lĩnh hội được kiến thức để đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông mới của lớp 6. Chúng tôi rất trăn trở về điều này”, cô Chi chia sẻ.
Nguyên nhân là do thiếu giáo viên
Theo chương trình giáo dục hiện nay, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ở lớp 1, 2, học sinh sẽ học làm quen. Năm học này, với lớp 3, tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc, thời lượng là 4 tiết/tuần. Lớp 4, 5 vẫn đang áp dụng Chương trình Giáo dục hiện hành, môn tiếng Anh là môn tự chọn. Các trường có thể dạy 1 - 4 tiết/tuần, tùy vào điều kiện của các trường.
Việc giảm số tiết tiếng Anh với học sinh lớp 4, lớp 5 là bất cập. |
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện trường thiếu giáo viên nên phải giảm số tiết tiếng Anh của lớp 4, 5, giáo viên tăng cường cho khối lớp 1, 2, 3 để đảm bảo số tiết theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trường rất mong được bổ sung đủ biên chế để đảm bảo chất lượng dạy học cho môn học này với học sinh lớp 4, 5.
Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Nghĩa Lộ đã triển khai dạy 4 tiết/tuần với môn tiếng Anh cho học sinh khối 4, 5 khiến học sinh rất thích thú, phụ huynh ủng hộ. Năm học này, trường đang hợp đồng thêm 8 giáo viên nhưng vẫn thiếu giáo viên nên buộc phải giảm tiết môn tiếng Anh với 2 khối lớp này.
“Trường rất muốn dạy môn tiếng Anh 4 tiết/tuần, kiểm tra, đánh giá cho học sinh lớp 4, 5, vì lớp 4 đang kế thừa chương trình mới của lớp 3, lớp 5 sẽ tiếp cận chương trình mới của lớp 6 nhưng không thể triển khai vì thiếu giáo viên. Trường đã nhiều lần kiến nghị bổ sung giáo viên theo nhu cầu thực tế”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Lộ Nguyễn Thị Nga cho biết.
Mục tiêu cơ bản của môn tiếng Anh là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng. Môn tiếng Anh bậc phổ thông giúp học sinh hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hóa của một số quốc gia nói tiếng Anh.
Với ý nghĩa đó, việc giảm số tiết tiếng Anh với học sinh lớp 4, lớp 5 là bất cập. Các trường rất mong ngành giáo dục có những giải pháp hiệu quả, bổ sung đủ đội ngũ giáo viên để kết quả dạy và học đạt chất lượng như mong đợi.
Bài, ảnh:
ÁI KIỀU