Xây dựng trường chuẩn quốc gia không phải bằng mọi giá

04:07, 06/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Câu chuyện Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đột nhiên ký công văn yêu cầu chuyển hàng trăm học sinh (HS) trường mình sang trường khác ở cùng quận (Trường Tiểu học Chu Văn An), để Trường Tiểu học Hoàng Liệt xây dựng trường chuẩn quốc gia, khiến nhiều người ngỡ ngàng.
 
Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: Internet
Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: Internet
Xây dựng trường chuẩn quốc gia là một chủ trương của ngành giáo dục và các địa phương trong cả nước. Để trường đạt chuẩn quốc gia, yêu cầu có nhiều tiêu chí chứ không chỉ yêu cầu mỗi lớp học không quá 35 HS, mỗi trường không quá 30 lớp. Nhưng ngay ở yêu cầu thứ nhất, trong khi các trường tiểu học tuyển sinh đúng tuyến đều chưa thực hiện được tiêu chí mỗi trường 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 HS. Đơn giản vì phải xây thêm phòng học, mà kinh phí thì không có. Đó là một chủ trương về lý thuyết thì đúng, nhưng về thực tế thì còn nhiều bất cập. Đã thế việc chọn trường để “xây dựng trường chuẩn quốc gia” quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại theo kiểu “tùy hứng” bằng cách đẩy ngay mấy trăm em HS đi học trường “chưa thể thành chuẩn quốc gia” để cho trường mình thành “chuẩn quốc gia”. Thật khó “thông cảm” với kiểu xây dựng trường chuẩn quốc gia kỳ quặc như thế này.
 
Như thế, những trường phải nhận HS do trường kia đẩy cho mình sẽ thành trường kiểu gì? Vì nhận thêm HS khi chính trường mình đã quá tải, những trường đó tới bao giờ mới có cơ hội trở thành “trường chuẩn quốc gia”?
Lâu nay, ngành giáo dục có không ít những chủ trương “khó hiểu” như thế, từ chuyện sách giáo khoa tới chuyện “xây dựng trường chuẩn quốc gia”. Nếu đã là trường công lập, thì sự bình đẳng trong giảng dạy và học tập giữa các trường là điều đầu tiên phải thực hiện cho bằng được. Chúng ta đang có rất nhiều trường công lập ở miền núi, ở vùng sâu, vùng xa vô cùng thiếu thốn về cơ sở vật chất, đang rất cần phải đầu tư để “trường ra trường, lớp ra lớp” nhưng vẫn chưa làm được. 
 
Trong khi ngay các trường công lập tiểu học ở thủ đô Hà Nội, nhưng ở quận không trung tâm như Hoàng Mai, thì chuyện mỗi trường có 30 lớp, mỗi lớp có 35 HS đã là chuyện “nằm mơ” rồi, đơn giản vì ở những quận như thế, số lượng HS vào lớp 1 hằng năm là quá đông. Vào đúng tuyến cả, thì sao lại phân biệt HS, phải đẩy đi học trường khác để trường này đủ chuẩn HS “trường chuẩn quốc gia”. Chưa kể, những kiểu “điều học sinh” theo kiểu mệnh lệnh này dễ dẫn tới tiêu cực, phụ huynh lại phải nháo nhào lên, phải “chạy” trường. 
 
Một phụ huynh có con em “bị buộc di dời” bức xúc nói: “Trường lên chuẩn quốc gia phải có lộ trình, kế hoạch rõ ràng chứ không phải ra thông báo xây dựng rồi “đẩy” HS đi ngay như thế này. Chưa kể tất cả các con hầu như đều vào trường diện đúng tuyến, nên cần lấy ý kiến, giải thích cho phụ huynh vì sao mình thuộc diện phải chuyển đi”.
 
THANH THẢO
 

.