Khủng hoảng thừa và thiếu trong tuyển sinh

02:10, 06/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngành học đại học về khoa học cơ bản như môi trường và bảo vệ môi trường, khoa học tự nhiên, nông nghiệp và thủy sản... có chỉ số tuyển sinh khá thấp, thậm chí điểm đầu vào chỉ trung bình 5 điểm/môn mà vẫn không thể nào tuyển đủ sinh viên, trong khi những ngành được coi là “hot” hiện nay thì dù tổng điểm 3 môn thi là 27 hay 28 điểm vẫn có thể... rớt như thường. Điều đó nói lên thực trạng gì?
[links()]
 
Nó nói lên, những ngành khoa học cơ bản đang “được” coi rất nhẹ trong bảng tổng sắp giá trị, còn những ngành có triển vọng “thu nhập cao” khi người học tham gia vào thị trường lao động thì đang đứng hàng đầu bảng tổng sắp. Đơn giản, vì những ngành khoa học cơ bản, khi sinh viên ra trường và làm việc, thì mức lương vô cùng ít ỏi khiến họ không đủ sống, từ đó, dù được coi là những ngành “lớn”, là “khoa học cơ bản” chăng nữa, nhưng với người theo học, nó có thu nhập rất thấp nếu tính thành tiền. Người học luôn có cảm giác những cái “danh lớn” ấy không thực chất đối với mình, vì thế, họ không hào hứng khi đăng ký vào các khoa ngành hay những trường này. Đó là một hiện thực hiển nhiên, dù người ta muốn hay không muốn. 
Sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh minh họa
Sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh minh họa
Thay đổi cái nhìn về khoa học cơ bản không chỉ nói mà xong, nó phải đi đồng bộ với thay đổi về cơ chế, chính sách đãi ngộ, khuyến khích để những ai theo học các ngành này cảm thấy tương lai hoàn toàn được đảm bảo miễn là họ học tốt và làm việc còn tốt hơn. Nghĩa là, họ phải có sáng tạo khi làm việc. Những ngành này yêu cầu như vậy. Đổi lại, Nhà nước phải coi những ngành này, những người sáng tạo trong những ngành này là những báu vật, nếu thực sự họ là những báu vật.
 
Đã là “báu vật” thì phải tự mình có phát minh, sáng chế, sáng tạo, phải có những đóng góp cụ thể cho đất nước, chứ không đi “thuê” viết hộ những bài báo “quốc tế” in ở những tạp chí “khoa học dỏm”, và lấy đó làm tiêu chuẩn để bước lên những bậc thang danh vọng và giàu sang.
 
Bây giờ, để được gọi là “chuyên gia” phải là những người thực sự giỏi, thực sự có những công trình khoa học do tự mình làm, chứ không phải kiếm cái danh "chuyên gia” , rồi “sống ảo” nhưng kiếm tiền thật từ cái danh ấy.
 
Nếu những ngành khoa học cơ bản được Nhà nước đánh giá đúng thực chất và được đầu tư đúng thực chất, thì sau một thời gian nhất định, học sinh sẽ thấy tương lai khi vào học các ngành này, miễn họ học giỏi, có kết quả cao trong các kỳ thi thực chất. Một mặt, Nhà nước phải nhìn thấy rõ, phải đánh giá đúng ai là người tài, mặt khác, người thực tài phải có lý tưởng học tập và sáng tạo vì đất nước, vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Chỉ khi đó, các ngành khoa học cơ bản mới có thể đón vào cổng trường mình những học sinh giỏi nhất, những người nuôi khát vọng cao nhất và phải đào tạo đúng mức để họ trở thành những người tài thực sự. Ở đây, bằng cấp chỉ là một tiêu chí để đánh giá, nhiều khi, không phải là tiêu chí cao nhất.
 
Như thế, các ngành khoa học cơ bản không nhất thiết phải đào tạo sinh viên theo số lượng, mà quan trọng nhất là phải đào tạo theo chất lượng. Khi những sinh viên có chất lượng cao tốt nghiệp, họ sẽ được nhận ngay vào những chỗ làm việc tốt, những chỗ có thể tạo những điều kiện về vật chất và tinh thần tốt nhất để họ làm việc và sáng tạo. Bằng cấp, dĩ nhiên là cần, nhưng với người thực tài, không phải là tiêu chí đánh giá duy nhất.   
 
Như thế, các ngành khoa học cơ bản không cần là những ngành “hot” để thu hút thí sinh, mà phải là những ngành thực chất để sàng lọc những người có năng lực thực sự, có tiềm năng trở thành những người sáng tạo thực sự.
 
 
THANH THẢO
 

.