(Báo Quảng Ngãi)- Theo lộ trình, năm học 2021 - 2022, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) và thay sách giáo khoa (SGK) mới tiếp tục triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Tuy nhiên, nhiều trường hiện đang đối mặt với việc thiếu giáo viên (GV), cơ sở vật chất chưa đảm bảo để triển khai chương trình.
[links()]
Thiếu cơ sở vật chất
Những năm gần đây, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn hẹp, nhiều trường được đầu tư từ rất sớm và sự gia tăng cơ học sĩ số học sinh (HS), dẫn đến cơ sở vật chất không đáp ứng kịp, trường, lớp học xuống cấp...
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: “Nhà trường còn thiếu phòng học nên không thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho cả khối lớp 2 trong năm học đến. Hiện trường có 28 phòng học/44 lớp. Năm nay, trường tận dụng phòng Đội và âm nhạc làm phòng học. Theo số liệu phổ cập, năm học 2021 - 2022, trường dự kiến tuyển thêm 10 lớp 1 (sĩ số 35 em/lớp).
Như vậy, nếu nhà trường dạy 2 buổi/ngày đối với cả khối 1 và 2 thì cần đến 20 phòng. Hơn 20 lớp còn lại không thể học trong 8 phòng. Do đó, trường sẽ tổ chức dạy 6 - 7 buổi/tuần. Điều này sẽ gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón con em, nhưng nhà trường không còn cách nào khác. Trong 5 năm tới, nhà trường cần 44 - 45 phòng học để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới".
Cô và trò Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). |
Năm nay, TP.Quảng Ngãi có thay đổi lớn trong việc kiên quyết đảm bảo sĩ số 35 HS/lớp. Việc này tạo thuận lợi cho GV theo sát từng HS. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo tình trạng thiếu GV, cơ sở vật chất không đảm bảo để thực hiện Chương trình GDPT mới.
Tuyển dụng giáo viên gặp khó
Những năm gần đây, Quảng Ngãi đã tổ chức các đợt thi tuyển viên chức GV, nhưng vừa tuyển xong thì lại thiếu do nhiều nguyên nhân. Năm nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tuyển GV phải tạm dừng. Hơn nữa, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực cũng gây nhiều trở ngại trong việc tuyển GV.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái, năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục có nhu cầu tuyển dụng 1.169 GV; trong đó, bậc mầm non 372 GV, bậc tiểu học 438 GV, bậc THCS&THPT 359 GV. Luật Giáo dục 2019 cũng đã quy định về việc nâng chuẩn GV. Theo đó, GV mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; GV tiểu học và THCS phải có bằng cử nhân sư phạm trở lên. Đây là đổi mới nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng cũng khiến ngành khó tuyển dụng GV”.
Thị xã Đức Phổ hiện đang thiếu 249 GV (bậc mầm non thiếu 61, tiểu học thiếu 109 và THCS thiếu 79 GV). Trưởng phòng GD&ĐT TX.Đức Phổ Phan Bường cho biết: “Trước thực trạng này, Phòng GD&ĐT đã thông báo hợp đồng GV để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ không đảm bảo theo yêu cầu nhiều. Lãnh đạo các trường cũng đến nhiều địa phương lân cận như huyện Ba Tơ và tỉnh Bình Định để tìm nguồn GV đủ chuẩn hợp đồng giảng dạy, nhưng cũng chỉ vài GV có thể đến với địa phương”.
Học sinh lớp 1, năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). |
Nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình
Thực tế hiện nay, để có GV hợp đồng đối với các trường là rất khó. Bởi chế độ đãi ngộ thấp, thời gian hợp đồng ngắn nên họ không mấy mặn mà với công việc, ảnh hướng đến chất lượng giáo dục của nhà trường.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay: “Hiện trường vẫn còn thiếu 2 GV cơ bản, 1 tổng phụ trách Đội, 1 GV giáo dục thể chất và 1 GV tin học. Nhà trường không có nguồn để hợp đồng tất cả số GV đang thiếu, nên tạm thời hợp đồng theo tháng đối với hai giáo viên cơ bản. Đối với việc hợp đồng GV hiện gặp nhiều khó khăn, vì nhà trường phải sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để chi trả”.
Hiện Trường Tiểu học Trần Phú có 42 GV cơ bản và 12 GV bộ môn; trong đó, có 8 GV chưa đủ chuẩn theo Luật Giáo dục. Nhà trường đã lập danh sách gửi lên Phòng GD&ĐT và đề xuất thực hiện nâng chuẩn GV theo lộ trình để vừa đảm bảo nâng chuẩn GV, vừa đảm bảo hoạt động dạy - học của trường.
Cô giáo Phạm Thị Thu Hà, chủ nhiệm lớp 5D, Trường Tiểu học Trần Phú, là một trong 8 GV chưa đảm bảo theo chuẩn mới. Theo quy định của Luật Giáo dục, cô Hà không nằm trong số các đối tượng thực hiện nâng chuẩn, vì gần 4 năm nữa cô Hà sẽ nghỉ hưu. Tuy nhiên, cô Hà cho rằng, nâng chuẩn là điều kiện cần thiết để GV đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. “Muốn thay đổi HS thì trước hết GV phải thay đổi mình. Giáo viên phải nắm vững nội dung chương trình, phương pháp và vận dụng đối với từng đối tượng HS. Bản thân tôi cũng tham gia các lớp học online để tăng cường các kỹ năng, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá HS...”, cô Hà nói.
Nâng chuẩn GV là động thái cần thiết và quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức giáo dục. Vì thế, trong những năm qua, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã liên kết với các trường đại học mở các lớp nâng chuẩn trình độ GV. Nhiều GV cũng chủ động đăng ký các lớp học nâng chuẩn. Như tại Trường Mầm non Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), đến nay đã có 98% GV đạt chuẩn và trên chuẩn so với quy định của Luật Giáo dục.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG