Cần trang bị cho học sinh kỹ năng sử dụng điện thoại

09:10, 05/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Việc Bộ GD&ĐT cho phép học sinh (HS) sử dụng điện thoại trong lớp học đã được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Vấn đề đặt ra là cần phải hướng dẫn HS kỹ năng sử dụng điện thoại một cách hiệu quả. 
Hữu ích nếu biết cách sử dụng
 
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, điện thoại thông minh đã giúp ích cho HS trong việc học. Các em sử dụng điện thoại để học online, tra cứu các thông tin để hiểu hơn bài giảng trong sách giáo khoa và học nâng cao. Em Nguyễn Thị Thu Hà, lớp 11B13, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.Quảng Ngãi) cho biết: Chúng em chỉ được sử dụng điện thoại trong giờ học khi có sự đồng ý của giáo viên để tra cứu từ điển, tư liệu phục vụ cho làm bài tập... Em nghĩ việc sử dụng điện thoại trong giờ học là cần thiết. Nếu HS sử dụng điện thoại đúng mục đích sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc nâng cao kiến thức ở từng môn học, vì chỉ có kiến thức trong sách giáo khoa không thì chưa đủ. 
 
Học sinh cần được hướng dẫn kỹ năng sử dụng điện thoại một cách hợp lý.  Ảnh: Đ.SƯƠNG
Học sinh cần được hướng dẫn kỹ năng sử dụng điện thoại một cách hợp lý. Ảnh: Đ.SƯƠNG
Còn em Trần Thị Liên, lớp 10A12, Trường THPT Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: Việc sử dụng điện thoại trong lớp học có tính hai mặt. Nếu sử dụng đúng mục đích như tìm hiểu tài liệu học tập sẽ giúp HS nâng cao kiến thức. Nhưng trên thực tế vẫn có nhiều bạn dùng điện thoại di động để làm việc riêng như truy cập vào website, nhắn tin... dẫn đến lơ là, không tập trung trong giờ học, thậm chí ảnh hưởng đến việc học của các bạn khác trong lớp. Ở trường em, nếu thầy, cô giáo phát hiện HS sử dụng điện thoại làm việc riêng thì sẽ tịch thu điện thoại và Ban giám hiệu sẽ có hình thức xử lý.
 
Quản lý sao cho đúng?
 
Thực tế đã có không ít HS ngồi đâu cũng dán mắt vào điện thoại chơi games, truy cập mạng xã hội... dẫn đến lơ là việc học. Bởi vậy, một số phụ huynh không cho con sử dụng điện thoại. Cũng có không ít phụ huynh mua cho con chiếc điện thoại đời cũ để không thể truy cập Internet, chỉ dùng vào việc điện thoại cho bố mẹ đưa, đón đi học. Tuy nhiên, cũng có những gia đình cho con sử dụng điện thoại loại đắt tiền, nhiều tính năng, nhưng lại thiếu kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con.
 
Một phụ huynh có con học cấp II ở huyện Đức Phổ chia sẻ: “Cho con sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin phục vụ việc học, nhưng tôi cũng rất lo vì trên mạng xã hội nhiều thông tin xấu độc, cháu còn nhỏ tuổi sợ không nhận biết hết được đâu là xấu, đâu là tốt. Vậy nên thỉnh thoảng tôi kiểm tra điện thoại của cháu và luôn căn dặn chỉ được sử dụng điện thoại vào việc học”. Chị H, có con học lớp 8 ở TP.Quảng Ngãi thì cho rằng: “Giáo viên các lớp lập nhóm trên Zalo, Facebook... để giáo viên, HS trao đổi thông tin việc học, tôi không cho cháu sử dụng điện thoại cũng không được. Nhưng cũng không thể yên tâm khi cho trẻ sử dụng điện thoại mà không có sự kiểm soát của người lớn”.
 
Nhiều thầy, cô giáo đồng tình với chủ trương cho HS sử dụng điện thoại trong lớp học khi có sự cho phép của giáo viên để phục vụ việc học. Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng, lớp học có gần 50 HS, do vậy giáo viên không thể kiểm soát hết được nội dung HS truy cập qua điện thoại trong giờ học.
 
Việc HS sử dụng điện thoại phục vụ việc học là cần thiết, trên thực tế đối với không ít HS, chiếc điện thoại giúp các em học tập hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là gia đình và nhà trường cần phải hướng dẫn HS các kỹ năng sử dụng điện thoại một cách thông minh, kỹ năng sử dụng và ứng xử trên mạng xã hội, kỹ năng tìm kiếm thông tin... để phục vụ có hiệu quả cho việc học.
 
LÝ SƯƠNG
 
 
 

.