(Báo Quảng Ngãi)- Luật Giáo dục 2019 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2020, trong đó có quy định đáng chú ý là không còn chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo. Tuy nhiên mới đây, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên theo các quy định cũ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giáo viên trăn trở
Luật Giáo dục 2005 (đã sửa đổi bổ sung) quy định: "Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, Điều 76, Luật Giáo dục 2019 quy định về tiền lương của nhà giáo nêu rõ: "Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ".
Nhiều giáo viên lo lắng trước thông tin tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo (ảnh minh họa). |
Đến nay, dù luật vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, nhưng nhiều địa phương, trong đó có Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã có văn bản tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đỗ Văn Phu lý giải: “Điều 76, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2020, quy định về tiền lương đối với nhà giáo không còn chế độ phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này. Vì vậy, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tạm dừng việc chi trả chế độ phụ cấp thâm niên kể từ ngày 1.7.2020”.
Nhiều giáo viên (GV) trăn trở trước việc tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên. Một cán bộ quản lý giáo dục cho biết: “Việc tạm dừng chi phụ cấp thâm niên sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của GV, nhất là những GV sắp nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến thu nhập sau khi nghỉ hưu. Nhiều GV lâu năm có mức phụ cấp thâm niên lên đến 35% tiền lương”. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục 2019 quy định tiền lương mới cho nhà giáo, nhưng chưa có bảng lương mới, thì nguyên tắc vẫn phải thực hiện bảng lương cũ.
Đề nghị lùi thời gian thực hiện quy định mới
Ngày 10.7.2020, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có Công văn về việc trả lời chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Công văn nêu rõ, trước những ý kiến của các đơn vị về việc chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã có công văn báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Hiện tại, chính sách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên) đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ.
Theo ông Đỗ Văn Phu, văn bản của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục không có hiệu lực, vì đây không phải là cơ quan có thẩm quyền quyết định chi hay không chi các chính sách về chế độ tiền lương, bởi luật là do Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chức năng của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục là bảo vệ quyền lợi của nhà giáo. Vì vậy, khi quyền lợi của nhà giáo không đảm bảo, thì Cục có quyền được lên tiếng. Hơn nữa, hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn dưới luật, nên chưa thể thực thi.
Ngày 27.7.2020, Bộ Tài chính đã có Công văn trả lời Bộ GD&ĐT về việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết: Về nguyên tắc, từ 1.7.2020, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo quy định tại Luật Giáo dục 2019 và các văn bản có liên quan bị bãi bỏ, không còn chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đang giao các cơ quan chức năng nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền về thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới, vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện Điều 76, Luật Giáo dục 2019 cho đến khi chế độ tiền lương mới ban hành và có hiệu lực.
Nhiều quy định đáng chú ý
Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ của GV mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, GV tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo GV, GV THCS từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo GV. Trường hợp môn học chưa đủ để GV có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo, thì GV phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, Luật cũng nghiêm cấm GV lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật; đồng thời bổ sung thêm quy định về loại hình trường tư thục không vì lợi nhuận.
|
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG