Tấm lòng của thầy cô giáo cắm bản

09:07, 21/07/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Thấu hiểu cho hoàn cảnh học sinh vùng cao, ngoài việc nắn nót dạy từng con chữ, phép tính, thầy cô còn đi vận động từng bộ đồ dùng học tập, kinh phí để việc đến trường của các em có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực, niềm vui. Đó là câu chuyện về những thầy cô ở Trường THCS Sơn Tinh cũ (nay nhập với cấp Tiểu học thành Trường TH và THCS Sơn Tinh), ở huyện vùng cao Sơn Tây.
 
Chẳng ngại "đi xin" giúp đỡ trò nghèo
 
Vừa dạy xong tiết văn cuối buổi, thay vì chạy về nhà lo cơm nước như mọi hôm, cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, 35 tuổi, giáo viên Văn, tranh thủ đến trao tiền cho các hoàn cảnh cảnh ngay sau khi mạnh thường quân chuyển tiền ủng hộ. Đó là khoản tiền ủng hộ cho các em cùng lúc có cha mẹ, anh trai qua đời do ăn phải nấm độc ở xã Sơn Tân.
 
“Khi các em gặp khó khăn, nếu mình đến động viên kịp thời, đó là cái phao cứu sinh giúp các em vượt qua nỗi đau buồn, để các em đều cảm thấy cuộc sống này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp, có cộng đồng bên cạnh sẽ không còn cô độc, cố gắng và vượt qua những mất mát", cô Tuyền với nụ cười hiền hậu chia sẻ. Nói rồi, cô vội lấy xe máy vượt hơn 30 phút đến tận nhà các em để trao tiền. 
 
Cô vận động được 3,4 triệu đồng để trao cho hoàn cảnh của hai đứa trẻ. Thông qua cô Tuyền, các mạnh thường quân còn trao hàng chục triệu đồng (mỗi tháng 1 triệu đồng) cho các em trong suốt 2 năm học.
 
 Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền trao kinh phí hỗ trợ cho hoàn cảnh của hai đứa trẻ có cha mẹ, anh trai vừa qua đời do ăn phải nấm độc.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền (trái) trao kinh phí hỗ trợ cho hoàn cảnh của hai đứa trẻ có cha mẹ, anh trai vừa qua đời do ăn phải nấm độc.
 
Trên chuyến xe đi cùng, cô cho biết, do thấy hoàn cảnh của hai em quá đáng thương, khi giờ đây không có cha mẹ kề cạnh. Lo lắng cho tương lai của bọn trẻ nên dù bận bịu cô vẫn cố gắng dành chút thời gian để giúp đỡ các em được phần nào hay phần ấy.
 
Nhiều năm nay, trên facebook cô Tuyền luôn là những dòng “status”- là những lá thư xúc động chia sẻ về những khó khăn của các nhân vật, kết nối đến tấm lòng hảo tâm. Rất nhiều trường hợp học sinh miền núi đã được cô hỗ trợ kịp thời, liên tục. Niềm vui nối tiếp niềm vui. 
 
 
Hệ thống lọc nước do thầy Thành vận động từng là cứu cánh của các em học sinh miền núi.
Hệ thống lọc nước do thầy Thành vận động cho các em học sinh miền núi.
 
Thầy giáo Huỳnh Văn Thành, 36 tuổi, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chồng của cô Tuyền cũng là người vẫn thường xuyên giúp đỡ học trò vùng cao bao năm qua. Từ cây bút, viết, vở, cho đến suất học bổng đều được thầy vận động kịp thời để mang về cho các em trong các dịp tựu trường, lễ, Tết. 
 
Những chiếc bình lọc nước tổng trị giá khoảng 20 triệu đồng mà thầy vận động từng là cứu cánh đối với học sinh nhà trường trong những mùa khô được thầy vận động từ bạn bè của mình.
 
“Nhiều lần thấy các em trên này uống nước sông suối, không cầm lòng nổi, tôi đã vận động một người bạn học hỗ trợ máy lọc nước đặt ở vị trí gần lớp học nhất để đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi đến trường”, thầy Thành vui vẻ cho hay.
 
Thầy Thành lớn lên ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn. Cô Tuyền quê ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức. Hai vợ chồng gặp nhau khi còn là sinh viên của Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi trước đây. 
 
Thời gian đầu, mỗi người được phân về hai trường khác nhau nhưng sau đó cùng được về công tác tại trường, thấm thoắt đã hơn 10 năm gắn liền với nghề gõ đầu trẻ nơi non cao. Bên nhau trong những năm tháng khó khăn, có chung niềm đam mê với sự nghiệp giáo dục, với hành trình cõng con chữ lên non, nên thầy cô thấu hiểu nhau, hết lòng vì học sinh vùng cao. 
 
“Suốt thời gian công tác ở đây là cả một chặng đường dài, với những buồn vui trong nghề giáo mà hai vợ chồng đã cùng nhau trải qua. Hiện tại các con được gửi ở nhà ngoại ở Mộ Đức, những ngày cuối tuần lại lặn lội về thăm các con rồi lại mang theo các nhu yếu phẩm cần thiết để quay lại với công việc”, thầy Thành bộc bạch. 
 
Không để học sinh nghèo bỏ học
 
Khác với điều kiện khó khăn ở một vùng xa, nhờ vào sự quan tâm của các cấp, ngành, cùng với sự nỗ lực của nhà trường, cơ sở vật chất, điều kiện học tập của các em ở Trường THCS Sơn Tinh cũ ngày càng được nâng cao hơn, xứng tầm một ngôi trường chuẩn Quốc gia. 
 
Cùng với việc dạy và học, nhà trường luôn khuyến khích các cán bộ, giáo viên cần phải có sự đồng hành, hỗ trợ cho học sinh bằng nhiều cách khác nhau để tất cả các em đều không gián đoạn việc học hành. Mỗi năm nhà trường vận động được hơn 100 triệu đồng từ các chương trình, hoạt động của mình để giúp đỡ học sinh nghèo khó. 
 
Trường TH&THCS xã Sơn Tinh là trường chuẩn quốc gia.
Trường TH&THCS xã Sơn Tinh là ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia ở huyện vùng cao Sơn Tây.
 
Cuộc vận động "Mỗi nhà giáo, cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh khó khăn" được duy trì hằng năm, từ năm 2017 đến nay đã giúp đỡ cho hàng chục trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học. Trường đã thành lập Quỹ khuyến học, vận động các thầy cô giáo tự nguyện quyên góp, làm phần thưởng động viên học sinh nghèo học giỏi, đạt các giải thưởng cao trong các kỳ thi, hội thi.
 
Ngoài cô Tuyền, thầy Thành, còn có cô giáo Phan Thị Minh Hiền, giáo viên dạy mỹ thuật; thầy Dương Quốc Đạt, giáo viên dạy văn... là những người không thể không kể đến.
 
Còn nhớ cách đây không lâu, khi ngôi nhà của gia đình em Đinh Thị Hồng, hiện đang học lớp 8 bị cháy hoàn toàn. Lo sợ em Hồng và người anh của em phải nghỉ học đi làm, kiếm tiền phụ gia đình xây nhà, thầy Đạt đã “xin” được gần 25 triệu để xây lại nhà mới, mua sắm tivi và các đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho gia đình Hồng. Nhớ lại, Hồng nghẹn ngào, xúc động: "Được thầy cô, nhà trường quan tâm, em chỉ biết cố gắng học hành đến nơi đến chốn như thầy cô hằng mong".
 
Sơn Tây là huyện vùng cao với đa phần là người đồng bào dân tộc Cadong. Phần lớn các thầy cô dạy học ở ngôi trường này đều là người dưới xuôi lên cắm bản. Rời xa gia đình, hy sinh cả thanh xuân, thế nhưng họ vẫn không nản lòng mà luôn hết lòng vì thế hệ trẻ nơi non cao.
 
"Ở đâu có tình yêu thương thì nơi đó sẽ không còn vất vả. Chính tình yêu thương với học trò đã giúp các thầy cô vượt qua tất cả để quyết tâm bám trụ lại nơi đây, giúp đỡ các em, nhất là học sinh có hoàn cảnh nghèo khó đều được đến trường, biết được con chữ. Nguy cơ bỏ học của học sinh ở Sơn Tây mỗi năm đều giảm đáng kể...”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới bộc bạch. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.