Phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số

12:03, 06/03/2020
.
(Baoquangngai.vn) – Đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số (DTTS) là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục ở miền núi. Những năm qua, đội ngũ này tăng cả số lượng và nâng cao về chất lượng.
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store.
http://onelink.to/quangngaib
Những cô giáo sinh ra từ bản làng

Sinh ra ở nơi xa xôi hẻo lánh xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), tuổi thơ của Đinh Thị Khăm gắn liền với ruộng đồng, nương rẫy, núi rừng nên cô thấu hiểu cuộc sống, ước vọng của bà con người H’re ở đây.

Dù kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng cô quyết tâm đeo đuổi con đường học tập. Học hết bậc THPT, không dừng ở đó, Khăm tiếp tục thi đỗ vào Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cô đã chọn ngành sư phạm mầm non, quyết tâm mang cái chữ về cho trẻ em chính làng mình.

Qua lần thi trượt kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017, Khăm được nhận vào giảng dạy hợp đồng tại một trường mầm non và lần thi tuyển vào năm 2019, cô đã may mắn trúng tuyển.
 
Ước mơ đã thành hiện thực, cô được phân công về giảng dạy chính nơi cô đã từng sinh ra và lớn lên,  Cô giáo Khăm đặt hết tâm huyết vào công việc giảng dạy của mình.
 
a
Những năm qua, tỷ lệ giáo viên người DTTS ở miền núi đã tăng đáng kể.
“Với người DTTS ở vùng cao như em, trúng tuyển vào đại học, cao đẳng đã khó, lấy được bằng tốt nghiệp ra trường và trúng tuyển vào biên chế nhà nước là niềm vui khôn tả” - cô giáo Khăm bộc bạch.

Cũng là người con đồng bào H’re, hành trình phấn đấu trở thành cô giáo của Đinh Thị Chăn đồng nghiệp của cô Khăm là quãng đường đầy gập ghềnh.

Tốt nghiệp THPT, vì gia đình quá khó khăn, Chăn tạm gác ước mơ trở thành cô giáo, ở nhà phụ giúp bố mẹ rồi lấy chồng, sinh con. Năm 25 tuổi, Chăn quyết tâm ôn thi trở lại.

Để thực hiện ước mơ đó, không biết bao lần người mẹ trẻ tự động viên mình trong những đêm chờ con con ngủ rồi thức trắng bên bàn học: “Cố gắng học, để kiếm cái nghề ổn định cho bớt khổ”.

Một nửa ước mơ của Chăn đã thành hiện thực khi cô trúng tuyển vào hệ cao đẳng mầm non. Và may mắn hơn khi Chăn trúng tuyển trong kỳ thi tuyển giáo viên vừa qua.

Cô Chăn cười hiền: “Đó là giấc mơ từ nhỏ của em. Ngày nhận quyết định được về công tác trên chính mảnh đất quê hương mình, hạnh phúc không thể nào tả hết”.

Phát triển nhanh về số lượng

Những năm qua, chất lượng giáo dục ở miền núi ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao trình độ dân trí, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng.
 
Song với đầu tư cơ sở vật chất, các chính sách hỗ trợ, đội ngũ giáo viên người DTTS cũng là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục ở miền núi.
 
a
Chất lượng giáo dục ở miền núi ngày càng nâng cao.
Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Hữu Liệu cho biết, đội ngũ giáo viên người DTTS này tăng cả về số lượng và nâng cao về chất lượng. Điểm thuận lợi của họ là ngôn ngữ bản địa nên dễ hòa nhập với học sinh hơn giáo viên người Kinh.

Hiện toàn huyện Sơn Hà có 190/944 giáo viên là người DTTS (chiếm tỷ lệ hơn 20%), trong đó có 66 giáo viên bậc MN, 80 giáo viên bậc TH và 44 giáo viên bậc THCS.

Điều đáng mừng là trong kỳ thi tuyển giáo viên năm 2019, toàn huyện có 29/94 thí sinh người DTTS trúng tuyển (chiếm tỷ lệ gần 31%). Đặc biệt ở bậc học MN từ 10 giáo viên tăng lên 40 giáo viên.

Tại huyện miền núi Sơn Tây hiện có 74/454 giáo viên là người DTTS (chiến tỷ lệ 17,4%). Trong kỳ thi tuyển vừa qua, có 23/86 thí sinh là người DTTS trúng tuyển (chiếm tỷ lệ gần 27%).

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới, đa số giáo viên người DTTS phát huy được ưu thế ngôn ngữ, nhiệt tình, chịu khó trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số giáo viên chậm nắm bắt việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học.

Bởi hầu hết họ thường đảm trách những lớp học điểm lẻ nên hạn chế điều kiện tiếp xúc với thông tin, ảnh hưởng đến việc học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn.

Để nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên người DTTS, ngành GD&ĐT các huyện miền núi cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đổi mới sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên. Qua đó,  giúp họ đáp ứng tốt hơn yêu cầu về quản lý giáo dục và dạy học, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: C.P

.