Chuyện sau bục giảng

10:01, 18/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc sống luôn có những mảng màu tươi sáng được vẽ lên từ những tấm lòng sẻ chia của tình thương yêu và sự thấu cảm. Đó là chuyện về những thầy, cô giáo cưu mang học trò nghèo, bất hạnh như con của chính mình. 
Cô giáo như mẹ hiền
 
Một buổi chiều mưa phùn hơi se lạnh, chúng tôi tìm đến Trường Mầm non xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Quanh năm, người dân nơi đây bám biển mưu sinh. Dù vậy, chuyện học hành của con trẻ luôn được các bậc phụ huynh và những người làm giáo dục quan tâm. Bởi thế mới có chuyện cảm động về việc những cô giáo ở trường mầm non cưu mang một học trò có hoàn cảnh đáng thương.
 
Đó là em Phạm Thị Thảo Nguyên, học lớp Lá. Thảo Nguyên sống cùng người mẹ có thần kinh không ổn định và ông bà ngoại. Bé Thảo Nguyên ra đời là kết quả của một cuộc tình chóng vánh. Khi bé vừa chào đời cũng là lúc người cha bỏ đi, mẹ bị bấn loạn tinh thần nên bệnh ngày càng trầm trọng.  
 
Hằng ngày, các cô giáo Trường Mầm non Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) chăm lo cho bé Thảo Nguyên từng bữa ăn, hộp sữa.
Hằng ngày, các cô giáo Trường Mầm non Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) chăm lo cho bé Thảo Nguyên từng bữa ăn, hộp sữa.
 
Thương cho hoàn cảnh của bé Nguyên, các cô giáo Trường Mầm non Tịnh Kỳ đã cưu mang và xem bé như con đẻ của mình. Các cô đã chăm lo cho bé ngay từ những ngày đầu đến trường. Thảo Nguyên không phải nộp bất cứ khoản tiền nào, từ tiền ăn, tiền sữa hay mua sắm quần áo...
 
Cô giáo Nguyễn Thị Tường Linh, hiện đang dạy lớp của Thảo Nguyên thổ lộ: “Thảo Nguyên sống thiếu thốn tình cảm, không được gia đình chăm sóc như những đứa trẻ bình thường khác. Vì vậy, các cô giáo ở trường rất thương bé, chăm lo cho bé từng miếng ăn, giấc ngủ; đồng thời dạy dỗ, uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói để giữ nét hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ trong con người Thảo Nguyên”.
 
Được sự đùm bọc của các cô, nên bé Thảo Nguyên lúc nào cũng ngoan ngoãn. Dù mới 5 tuổi nhưng cháu có suy nghĩ “già” hơn những bạn cùng trang lứa. Khi nghe hỏi: "Ước mơ của con là gì?". Thảo Nguyên liền trả lời: “Dạ, con ước muốn mẹ con ăn uống đầy đủ để bớt bệnh, khỏe mạnh để nuôi con!”.
 
Lan tỏa câu chuyện sẻ chia
 
Trường hợp bé Thảo Nguyên là một trong số nhiều học sinh mà các cô giáo ở Trường Mầm non Tịnh Kỳ đã cưu mang. Hiệu trưởng Trường Mầm non Tịnh Kỳ Nguyễn Thị Thanh Nguyên chia sẻ: “Giáo viên của trường tuy cuộc sống  còn nhiều khó khăn nhưng mỗi tháng đều trích từ tiền lương ít ỏi để giúp đỡ bé Thảo Nguyên. Hành động của các cô đều xuất phát từ tấm lòng. Cháu Thảo Nguyên giờ như đứa con chung của 25 cán bộ, giáo viên nhà trường”.
 
Trong cuộc trò chuyện ngắn, không đầu, không cuối với chúng tôi, chị Phạm Thị Minh Khương (38 tuổi), mẹ bé Thảo Nguyên, dù có những câu nói ngô nghê nhưng trong chị vẫn cảm nhận được tình cảm mà các cô giáo dành cho con gái mình. Chị Khương bộc bạch: “Các cô giáo ở đây tốt lắm, chăm sóc Thảo Nguyên như con của mình. Các cô còn cho tiền để cháu được ăn cơm, uống sữa hằng ngày. Gia đình tôi biết ơn các cô giáo nhiều lắm!”.
 
Câu chuyện của bé Thảo Nguyên làm chúng tôi càng nhớ và cảm phục về một “phong trào” được lan tỏa mấy năm nay ở huyện miền núi Sơn Hà. Dù cuộc sống của các thầy, cô giáo vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng đã có hơn 600 thầy, cô giáo cưu mang hơn 600 học sinh nghèo để các em tiếp bước đến trường.
 
Hay như chuyện về những cô giáo ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), Hành Minh (Nghĩa Hành), dù đã nghỉ hưu nhưng ngày qua ngày vẫn cặm cụi dạy học miễn phí cho học trò nghèo, trẻ mồ côi... Nhìn học sinh đến lớp, học được cái chữ, biết điều hay lẽ phải là hạnh phúc lớn lao đối với những người làm nghề giáo hết lòng vì học sinh.
 
Câu chuyện về những thầy, cô giáo cưu mang, sẻ chia với những học sinh có hoàn cảnh bất hạnh, nghèo khó là rất đáng được trân trọng và nhân rộng.               
                                    
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.