TIN LIÊN QUAN |
---|
Để thể dục không còn là "môn phụ"
Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, các môn học bắt buộc phải có SGK. Vì vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới buộc phải có SGK môn GDTC theo đúng quy định và bình đẳng với các môn học khác. Còn việc HS, phụ huynh có mua SGK môn này hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người học.
Học sinh Trường THPT Phạm Kiệt (Ba Tơ) trong giờ học môn giáo dục thể chất. |
Theo nhiều cán bộ quản lý và giáo viên, những năm gần đây, các trường học tập trung đổi mới phương pháp dạy và học. Theo đó, HS phải tự tìm tòi, tự nghiên cứu thay vì giáo viên truyền thụ kiến thức một chiều như trước đây. Vì vậy, việc có SGK môn GDTC là cần thiết. Em Hồ Thị Như Ý, học lớp 8A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Trà Bồng bày tỏ: “Nên có SGK môn thể dục, vì em có thể xem bài trước khi lên lớp. Có SGK sẽ giúp HS hiểu hơn về kỹ thuật trong từng động tác thể dục".
"Đã đến lúc xem môn giáo dục thể chất là môn học chính, bắt buộc. Vì nó mang sứ mệnh nâng cao thể chất, tầm vóc của người Việt Nam. Nếu tập luyện thể dục thể thao đúng cách, chế độ dinh dưỡng phù hợp, vệ sinh thể thao hợp lý sẽ mang đến một thể trạng tốt, giúp tinh thần phấn chấn, sẵn sàng cho việc học tập các môn học khác". Thạc sĩ VÕ DUY QUÂN |
Liệu có thực sự cần thiết?
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đối với môn GDTC lớp 1, HS học 70 tiết với 4 nội dung: Đội hình đội ngũ, vận động cơ bản, bài tập thể dục phát triển chung, thể thao tự chọn. Trong đó 3/4 nội dung có yêu cầu quan sát tranh ảnh và làm mẫu của giáo viên để tập luyện. Vì vậy, theo nhiều giáo viên dạy lớp 1 thì SGK là không cần thiết. Bởi môn học này chủ yếu dạy động tác cho HS.
Một giáo viên dạy môn GDTC ở TP.Quảng Ngãi cho rằng: “Tôi nghĩ không cần phải có SGK môn TDTC cho HS lớp 1. Điều quan trọng để dạy học tốt bộ môn này là đầu tư về cơ sở vật chất với đầy đủ các trang thiết bị và tạo điều kiện để các em lựa chọn bộ môn thể dục thể thao theo sở trường”.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Giới, giáo viên dạy GDTC ở Trường THPT Tây Trà thì, SGK sẽ giúp HS nghiên cứu lý thuyết trước khi đến lớp. Đối với HS miền núi, nhận thức còn hạn chế nên SGK sẽ hỗ trợ các em rất nhiều trong việc học.
Là một giảng viên có nhiều năm giảng dạy bộ môn GDTC ở Trường Đại học Phạm Văn Đồng, thạc sĩ Võ Duy Quân nhấn mạnh: Đối với tất cả các môn học đều cần thiết phải có SGK và môn GDTC cũng không ngoại lệ. Mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học sẽ có những nội dung học phù hợp với hệ cơ, xương, khớp, tâm lý và sinh lý của HS. Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là hướng đến phát triển năng lực của HS, nên phải có tài liệu để các em tham khảo là điều tất yếu.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG