Dạy học ở vùng cao: Phá bỏ "rào cản" về ngôn ngữ

04:08, 10/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để dạy học sinh (HS) người đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết giáo viên (GV) phải biết tiếng mẹ đẻ của các em. Tuy nhiên, đa số  GV dạy ở miền núi là người Kinh, do vậy trong công tác giảng dạy đã gặp phải "rào cản" về ngôn ngữ khi giao tiếp với HS.

TIN LIÊN QUAN

Trước thực tế đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức bồi dưỡng tiếng Hrê cho GV công tác tại một số huyện miền núi. Đây là năm thứ hai ngành giáo dục tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Hrê cho GV ở vùng cao.

Thuận lợi trong giao tiếp

Theo nhiều GV ở vùng cao, công tác dạy và học ở đây luôn gặp nhiều trở ngại, một phần do khả năng nhận thức của HS còn hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, mặt khác do HS chưa thông thạo tiếng Việt. Khó khăn nhất là HS bậc mầm non, lớp 1, lớp 2, các em không thể diễn tả ý của mình bằng tiếng phổ thông, mà nói bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, việc giao tiếp giữa cô và trò gặp nhiều trở ngại.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ngân, dạy ở Trường Tiểu học Sơn Tinh (Sơn Tây) cho biết: “Trước đây, tôi phải nhờ những em biết tiếng Việt dịch lại ý của những em trong lớp. Do đó, việc giao tiếp giữa cô và trò gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham gia lớp bồi dưỡng, tôi cơ bản nắm được ngôn ngữ của đồng bào. Điều này tạo thuận lợi trong việc giao tiếp với HS, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Giáo viên công tác tại huyện Sơn Hà tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Hrê.
Giáo viên công tác tại huyện Sơn Hà tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Hrê.

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) Nguyễn Thị Thành cho hay: “Bồi dưỡng tiếng Hrê cho GV giảng dạy tại các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là một trong những giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho HS các trường mầm non, tiểu học; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng cao".

Nâng dần chất lượng giáo dục

Huyện Sơn Tây có trên 90% HS là dân tộc thiểu số. Nhờ tham dự các lớp bồi dưỡng tiếng Hrê, GV giúp HS học tiếng Việt được tốt hơn. Các thầy, cô giáo tích cực tìm hiểu, gần gũi với HS, giúp các em sửa các lỗi thường mắc phải khi nói và viết bằng tiếng Việt. Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Nguyễn Minh Anh phấn khởi cho biết: “Từ khi mở lớp bồi dưỡng tiếng Hrê, GV thuận tiện trong việc vận động HS ra lớp, nhất là những điểm trường xa, góp phần nâng dần chất lượng giáo dục”.

Cô giáo Đào Thị Viên, dạy tại Trường Mẫu giáo Sơn Ba (Sơn Hà), đã nhiều năm giảng dạy, nhưng khi giao tiếp với trẻ em Hrê vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi diễn đạt để các em dễ hiểu. “Năm trước, trường cử GV tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Hrê. Sau khóa học, hiệu quả thấy rõ, chất lượng dạy và học của lớp được nâng lên. Năm nay, tôi đăng ký học lớp bồi dưỡng tiếng Hrê với mong muốn tích lũy được nhiều từ vựng tiếng Hrê để thuận lợi trong việc lên lớp, giao tiếp với trẻ và phụ huynh”, cô Viên thổ lộ.

Thầy giáo Phạm Văn Trai, người trực tiếp giảng dạy lớp bồi dưỡng tiếng Hrê tại huyện Sơn Hà cho biết: Lớp bồi dưỡng diễn ra trong thời gian 11 tuần. Các thầy, cô giáo được cung cấp những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào Hrê. Sau khi học lý thuyết, các học viên được đi thực tế, để vận dụng có hiệu quả kiến thức đã học.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 

.