Chiều nay 8/1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp báo về tình hình tiền lương, thưởng và quan hệ lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2009.
Theo Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn chung tình hình lương và thưởng Tết năm nay ở mọi thành phần doanh nghiệp đều cao hơn năm ngoái. Điều này được coi là hoàn toàn phù hợp với tình hình hồi phục kinh tế và sản xuất trong năm 2009.
Theo Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn chung tình hình lương và thưởng Tết năm nay ở mọi thành phần doanh nghiệp đều cao hơn năm ngoái. Điều này được coi là hoàn toàn phù hợp với tình hình hồi phục kinh tế và sản xuất trong năm 2009.
Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Kim Thảo. |
Mức thưởng Tết kỷ lục là 389 triệu đồng
Bà Tống Thị Minh cho biết, theo báo cáo của 63 Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban quản lý các khu công nghiệp, đến ngày 31/12/2009 đã có kế hoạch thưởng Tết 2010 cho người lao động. Phần lớn các doanh nghiệp đảm bảo mức thưởng đối với người lao động ít nhất bằng một tháng lương.
Năm nay, do Tết âm lịch đến muộn (vào giữa tháng 2/2010) nên một số doanh nghiệp đã trả một phần tiền thưởng vào tết dương lịch. Theo kế hoạch, thời gian người lao động sẽ nhận thưởng Tết trong khoảng từ ngày 5 đến ngày 12/2/2010.
Bình quân, mức thưởng đối với người lao động khoảng 1,85 triệu đồng/người, cao hơn năm 2008 khoảng 300 nghìn đồng/người. Trong đó doanh nghiệp nhà nước khoảng 2,2 triệu đồng/người; doanh nghiệp tư nhân khoảng 1,4 triệu người.
Trong đó, mức tiền thưởng Tết đối với người lao động kỷ lục năm nay được ghi nhận là 389 triệu đồng, cao hơn kỷ lục Tết năm 2009 (330 triệu đồng) và Tết năm 2008 ( 240 triệu đồng). Mức thưởng Tết thấp nhất đối với người lao động là 30.000 đồng, thấp hơn Tết 2009 (50.000 đồng). Theo đó, doanh nghiệp nhà nước có mức thưởng cao nhất là 99,7 triệu đồng và thấp nhất là 100.000 đồng; doanh nghiệt tư nhân cao nhất là 185 triệu đồng và thấp nhất là 30.000 đồng; doanh nghiệp FDI có mức thưởng cao nhất là 389 triệu đồng và thấp nhất là 50.000 đồng.
Mức thưởng Tết bình quân của người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng 3,8 triệu đồng, và tại thành phố Hà Nội là 2,3 triệu đồng.
Một sự kiện mới của năm nay, đó là lại có doanh nghiệp thuộc khối dân doanh thưởng tết cho người lao động với mức lên tới 185 triệu đồng. Các địa phương có khối doanh nghiệp dân doanh thưởng tết khá cao cho người lao động năm nay như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Hậu Giang…
Theo lý giải của bà Minh, sở dĩ năm nay tiền thưởng tết tăng, trái hẳn nhận định của nhiều người là do những tháng cuối năm, kinh tế đã nhanh chóng hồi phục, các doanh nghiệp bắt đầu có nhiều đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh nhộn nhịp trở lại, được thể hiện qua việc các doanh nghiệp liên tục thông báo tuyển dụng lao động, nguồn lao động thiếu nên cần có thưởng tết cao để giữ chân người lao động.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì mặc dù mức tiền thưởng Tết 2010 đều nhỉnh hơn hẳn năm cũ nhưng do mặt bằng giá cả đã tăng cao nên tính ra, quyền lợi của người lao động cũng không cải thiện đáng kể.
Lương năm 2009 tăng 10,08%
Bà Tống Thị Minh cho biết, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2009 ước đạt được 2,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,08% so với năm 2008.
Trong đó, khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn giữ mức cao, ước đạt 3,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,37% so với năm 2008. Các Tổng công ty và các công ty mẹ thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước đạt 5,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,1% so với năm 2008. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,96% so với năm 2008. Doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng/người/tháng.
Tiền lương cao nhất của người lao động chức danh quản lý ở doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý là 40,5 triệu đồng/người/tháng. Ở khối doanh nghiệp dân doanh cao gấp 5 lần mức lương của lao động trong khối doanh nghiệp nhà nước, ước đạt 216,136 triệu đồng/người/tháng. Chức doanh quản lý trong khối doanh nghiệp FDI là 208 triệu đồng/người/tháng.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có mức tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp đạt mức cao nhất với 4,3 triệu đồng/người/tháng. Khối doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vị trí cao nhất với 5,03 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp FDI khoảng 4,8 triệu đồng/người/tháng, doanh nghiệp dân doanh khoảng 3,2 triệu đồng/người/tháng. TP Hồ Chí Minh xếp thứ 2 với mức lương bình quân của người lao động trong các khối doanh nghiệp đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. TP Hà Nội xếp thứ 5 về mức lương bình quân trong cả nước chỉ với 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Có 5 tỉnh, thành phố có mức lương trả cho người lao động trên 100 triệu đồng/người/tháng là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu. 10 tỉnh, người lao động phải nhận mức lương thấp nhất bao gồm Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hoà Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai và Tây Ninh. Mức lương thấp nhất mà người lao động nhận được là 650 ngàn/người/tháng.
Theo VnMedia