Kỳ 2: Khúc tráng ca trên biển
(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 30 năm qua, những người lính hải quân Việt Nam thay nhau bám trụ nhà giàn canh giữ biển trời Tổ quốc. Họ luôn đối mặt với sóng gió, bão giông, với những khó khăn, hiểm nguy nơi đầu sóng, song bão tố có thể bẻ cong sắt thép nhà giàn, chứ không thể làm họ nhụt chí.
(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 30 năm qua, những người lính hải quân Việt Nam thay nhau bám trụ nhà giàn canh giữ biển trời Tổ quốc. Họ luôn đối mặt với sóng gió, bão giông, với những khó khăn, hiểm nguy nơi đầu sóng, song bão tố có thể bẻ cong sắt thép nhà giàn, chứ không thể làm họ nhụt chí.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đối mặt với khó khăn
Nói đến cuộc sống trên nhà giàn DK1, thì những khó khăn luôn thường trực với những người lính hải quân. Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, người có thâm niên 14 năm công tác ở nhà giàn (từ 1994 đến 2007) cho biết: Nước ngọt ở nhà giàn còn hiếm hơn ở Trường Sa, bởi khí hậu khắc nghiệt, khiến lượng mưa rất hiếm hoi.
Trong những năm đầu, mỗi nhà giàn trung bình có 10 - 14 người sinh hoạt trong 6 tháng liền, nhưng thiết kế thùng dự trữ chỉ chừng 10 khối nước ngọt. Vì thế, nước ngọt chỉ dùng để nấu cơm, đun nước, các hoạt động khác phải dùng nước biển. Còn rau xanh thì không trồng được do nhà giàn chật chội và nắng gió, muối biển. Thức ăn chính cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ chủ yếu là đồ hộp và rau muống phơi khô. Bởi vậy, sau mỗi kíp làm nhiệm vụ ở nhà giàn về đất liền, cán bộ, chiến sĩ đều có nước da vàng bủng, vì thiếu rau xanh.
Vòng hoa tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh tại nhà giàn DK1 Phúc Tần. |
Những năm sau này, hệ thống nhà giàn được nâng cấp, sửa chữa bền chắc hơn để chống chọi với sóng to, bão lớn. Đời sống vật chất của lính nhà giàn cũng được cải thiện rõ rệt, nhờ sự quan tâm của Nhà nước cũng như sự giúp sức từ các tầng lớp nhân dân.
Tại nhà giàn DK1 Quế Đường, Trung úy Nguyễn Văn Hưng tự hào giới thiệu vườn rau xanh mướt của đơn vị: “Trồng được rau xanh trên nhà giàn không dễ, nhưng nhờ kinh nghiệm các anh đi trước truyền lại, nên dù không đáp ứng đủ đầy nhu cầu của anh em, nhưng cũng đủ để cải thiện bữa ăn”.
Gọi là “vườn” cho sang, chứ rau xanh ở các nhà giàn hầu hết được các anh lính trồng trong những thùng xốp, thùng nhựa treo ở khu vực lan can, gác trên trần nhà, che chắn cẩn thận để tránh muối biển và ưu tiên các loại rau dễ sống như cải, mồng tơi... Các nhà giàn cũng “tăng gia” thêm như nuôi heo, gà, vịt để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ... Nhờ bàn tay chăm sóc của chiến sĩ, cùng với những giọt nước hiếm, mầm xanh từ những khay đất bạc màu cứ vươn xanh trong nắng gió đại dương.
Tại nhà giàn DK1 Quế Đường, Trung úy Nguyễn Văn Hưng tự hào giới thiệu vườn rau xanh mướt của đơn vị: “Trồng được rau xanh trên nhà giàn không dễ, nhưng nhờ kinh nghiệm các anh đi trước truyền lại, nên dù không đáp ứng đủ đầy nhu cầu của anh em, nhưng cũng đủ để cải thiện bữa ăn”.
Gọi là “vườn” cho sang, chứ rau xanh ở các nhà giàn hầu hết được các anh lính trồng trong những thùng xốp, thùng nhựa treo ở khu vực lan can, gác trên trần nhà, che chắn cẩn thận để tránh muối biển và ưu tiên các loại rau dễ sống như cải, mồng tơi... Các nhà giàn cũng “tăng gia” thêm như nuôi heo, gà, vịt để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ... Nhờ bàn tay chăm sóc của chiến sĩ, cùng với những giọt nước hiếm, mầm xanh từ những khay đất bạc màu cứ vươn xanh trong nắng gió đại dương.
Hy sinh nơi đầu sóng
Tiến trình hình thành và phát triển DK1 có cả những “nốt lặng” khi đã có những cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên vùng biển này. Theo Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, điều khiến ông ám ảnh nhất trong suốt 14 năm công tác tại các nhà giàn là phút giây đồng đội từ biệt mình để hòa mình vào đại dương.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Long chia tay vợ và con gái lên đường ra DK1 làm nhiệm vụ trước tết Kỷ Hợi. |
Trong cơn bão Faith năm 1998, sau nhiều giờ chống chọi với trận cuồng phong, những cơn sóng dữ với đỉnh sóng cao 15 – 16m, nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên bị đánh sập. Thời điểm đó, anh Mạnh đang làm nhiệm vụ ở một nhà giàn khác chỉ cách nhà giàn DK1/6 vài hải lý và vẫn trao đổi với Đại úy Vũ Quang Chương, Trạm trưởng Trạm rada nhà giàn DK1/6. Đại úy Chương gọi sang cho biết rằng: Nhà đang bị sóng đánh trùm đầu. Anh em đêm đó không ai ngủ để canh bão.
Sáng sớm ngày 13.12.1998, trong cuộc gọi cuối cùng thì câu nói của Đại úy Chương với Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh qua sóng bộ đàm là: “Mạnh ơi ở lại mạnh giỏi nhé! Chúng tớ rời nhà đây!”, sau đó là tiếng tút dài... Trong số 9 cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên lao xuống biển, thì ba người đã mãi mãi nằm lại giữa trùng khơi. Trước khi lao vào lòng biển, Đại úy Vũ Quang Chương đã gói ghém mang theo lá cờ Tổ quốc, cùng cuốn sổ vàng của đơn vị bên mình...
Vào các năm 1990, 1998, 1999 và 2000, lần lượt nhà DK1 Phúc Tần, nhà DK1 Phúc Nguyên, nhà trạm Tư Chính B, và nhà trạm Ba Kè A bị đổ làm cho 6 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 hy sinh. Các chiến sĩ ngã xuống cho nhà giàn bất tử. Mộ các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là nhánh san hô nằm tận biển sâu.
Dành tuổi thanh xuân cho nhà giàn
Dẫu biết cuộc sống ở nhà giàn muôn vàn khó khăn và luôn thường trực những bất trắc, hiểm nguy, nhưng lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân vẫn ngày đêm canh giữ biển trời. Có nhiều người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho nhà giàn và cho Tổ quốc.
Những ngày cuối cùng bước sang năm Kỷ Hợi, trước khi chuyến tàu Trường Sa 08 chở đoàn công tác rời cảng vụ của Lữ đoàn 171 tại TP.Vũng Tàu ra DK1, trên cầu cảng có rất đông những người mẹ, người vợ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 tiễn các anh đi làm nhiệm vụ.
Những ngày cuối cùng bước sang năm Kỷ Hợi, trước khi chuyến tàu Trường Sa 08 chở đoàn công tác rời cảng vụ của Lữ đoàn 171 tại TP.Vũng Tàu ra DK1, trên cầu cảng có rất đông những người mẹ, người vợ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 tiễn các anh đi làm nhiệm vụ.
"Vườn" rau của nhà giàn DK1 Quế Đường được những người lính nâng niu, chăm sóc cẩn thận. |
Thiếu tá Nguyễn Tiến Long, Chính trị viên nhà giàn DK1/18 bịn rịn từ biệt vợ và cô con gái chưa tròn tuổi trước khi xuống tàu. Anh cho biết: “Mỗi lần chia tay đất liền ra nhà giàn ăn Tết, vợ tôi đều ra tận cầu cảng để tiễn chồng. Năm nay, con gái thôi nôi mình cũng không có nhà. Nhưng biết làm sao được, nhiệm vụ luôn trên hết”.
Anh Long và vợ quê ở Thái Bình. Cưới nhau tròn 10 năm, thì 9 lần vợ của anh tiễn chồng đi biển khi Tết đến, Xuân về. Người vợ trẻ nén lòng chia sẻ: “Cả hai lần em đều sinh con một mình. Con gái lớn học lớp ba, đứa nhỏ mới 11 tháng tuổi. Mỗi lần tiễn chồng đi em cũng buồn và bồi hồi xúc động, vì 10 năm lấy nhau mà chưa có một lần đón Tết trọn vẹn. Dù còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng các anh cứ yên tâm công tác, chúng em sẽ là hậu phương vững chắc để các anh an tâm làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu Tổ quốc”.
Hay như câu chuyện của Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh có 30 năm tuổi quân, thì đã có 14 năm công tác ở nhà giàn. Kể về gia đình, anh Mạnh cho biết: Khi con trai thứ hai của anh vừa tròn 16 tháng tuổi, anh nhận lệnh lên đường ra DK1 thực hiện nhiệm vụ quan trọng, đến khi trở về đất liền con trai anh đã 14 tuổi. “Mỗi lần đi là biền biệt từ 8 - 16 tháng trên biển, về nhà có lúc chỉ được 1 - 2 tháng. Tôi không xuất hiện nhiều trong quá trình trưởng thành của các con mình. Một mình vợ tôi vừa làm mẹ, vừa thay tôi làm bố. Nghĩ lại cũng thấy mình chưa làm hết trách nhiệm của người chồng, người cha. Mình đã làm việc ở tất cả các nhà giàn DK1, hiểu rõ DK1 đến từng “chân tơ kẽ tóc”, nhưng hỏi con mình thích học môn gì, thích chơi môn thể thao nào, thích ăn món gì... thì mình chịu”, giọng anh Mạnh nghèn nghẹn.
Sừng sững giữa trùng khơi đã 30 năm, kể từ khi thành lập DK1, từ thế hệ lính nhà giàn đầu tiên đến những thế hệ lính 9X, 2K hôm nay đều có chung một quyết tâm sắt đá, kiên cường bám trụ, giữ vững từng tấc đất chủ quyền của Tổ quốc giữa biển khơi. Ở vùng chủ quyền thiêng liêng đó, “Sóng gió mặc sóng gió/ Lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ Chông chênh mặc chênh chông/ Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông/ Nắng gió mặc nắng gió/ Lính nhà giàn thề không ngại khó/ Mưa giông mặc mưa giông/ Lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng”, lời ca vang lên giữa muôn trùng sóng như vỗ về rằng: “Lính nhà giàn kiên cường lắm. Đừng lo!”.
Bài, ảnh: XUÂN HIẾU