(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, lực lượng Công an Quảng Ngãi đang chủ động mọi phương án, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng liên quan để ứng phó với các tình huống xấu do bão, lũ gây ra.
Nhiều năm qua, hơn 60 hộ dân sống dưới chân núi Rapon, thôn 2, xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) phải sống trong cảnh lo âu vì sạt lở núi ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, địa phương vẫn chưa xây dựng khu tái định cư để di dời số hộ này. Vì thế, Công an huyện Tư Nghĩa cử tổ công tác kiểm tra và tham mưu chính quyền thành lập đội cứu hộ cứu nạn, nhằm kịp thời hỗ trợ ứng cứu, di dời dân khi có sự cố mất an toàn xảy ra.
Công an huyện cũng đã có kế hoạch và cử cán bộ trực tại xã nắm tình hình, ứng cứu dân. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn Phạm Văn Sơn, cho biết: “Chúng tôi còn vận động dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dầu hoả, bảo đảm từ 10 ngày trở lên phòng bão, lũ lụt kéo dài”.
Công an huyện Nghĩa Hành diễn tập cứu người khi bị lũ cuốn. |
Còn xã Bình Hải (Bình Sơn) nằm ven biển, nên luôn hứng chịu nhiều thiệt hại do bão gây ra. Vì vậy, việc triển khai công tác PCLB- TKCN luôn được chính quyền và người dân chú trọng. Đại úy Nguyễn Duy Hưng – Phó trưởng Đồn Công an KKT Dung Quất cho biết, đơn vị đã phối hợp với xã Bình Hải thành lập các tổ xung kích tại các thôn, phân công thành viên phụ trách địa bàn. Đối với nhà dân nằm sát bờ biển có nguy cơ sạt lở cao, đơn vị phối hợp với Đồn Biên phòng chủ động di dời người, tài sản đến nơi an toàn khi thời tiết diễn biến xấu. Hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền tại những vị trí an toàn.
Đơn vị còn phối hợp các xã ven biển trong KKT Dung Quất xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi xảy ra bão, lũ nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân, doanh nghiệp trong công tác phòng tránh thiên tai. Chủ động hiệp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn thống nhất phương án phối hợp của từng lực lượng trong quá trình tham gia làm nhiệm vụ phòng, tránh thiên tai, TKCN nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi - Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh, toàn tỉnh có gần 150 điểm sạt lở núi, ven sông, ven biển với hơn 3.500 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, hơn 2.500 hộ cần di dời khẩn cấp. Việc xây dựng kè chống sạt lở và di dời dân ra khỏi vùng sạt lở triển khai chưa nhiều, do thiếu kinh phí. Do đó, việc chủ động, ứng phó bảo vệ người dân là giải pháp ưu tiên của các lực lượng chức năng trong mùa mưa lũ năm nay.
Lực lượng công an là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, tránh thiên tai, TKCN. Vì thế, công an các cấp coi đây là nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng có mặt tại hiện trường cùng lãnh đạo địa phương chỉ huy, điều hành xử lý các tình huống, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bài, ảnh: Thành Sự