(Baoquangngai.vn)-
Để bảo đảm ATGT đường bộ, đường sắt đã khó, với đường thủy lại càng vất vả và có phần nguy hiểm hơn, song trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy- Công an tỉnh đã góp phần giữ vững sự bình yên sông nước.
Với hệ thống giao thông thủy dài, nhiều sông, cảng và cửa biển vấn đề giao thông đường thuỷ nội địa ở Quảng Ngãi được xem là rất phức tạp. Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) và trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy trong việc phát triển kinh tế-xã hội, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đường thuỷ phối hợp với các ngành chức năng đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, góp phần chuyển biến tích cực tình hình an toàn giao thông đường thủy nội địa ở Quảng Ngãi.
Thượng tá Nguyễn Văn Hùng- Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy cho biết: Để làm tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ bình yên sông nước trong điều kiện địa bàn phức tạp, Phòng CSGT đường thủy tập trung lực lượng, phương tiện tổ chức thực hiện thường xuyên và liên tục công tác thanh tra, kiểm soát và xử lý những trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy.
"Trong năm 2013, Phòng CSGT đường thủy đã tổ chức 230 lượt tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy nội địa, cảng, cửa biển. Qua tuần tra, kiểm soát, CSGT đường thủy phát hiện 203 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 130 trường hợp, xử phạt tiền 73 trường hợp, nộp ngân sách Nhà nước gần 37 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và nhắc nhở, xử phạt 14 trường hợp khai thác cát, sỏi vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa", Thượng tá Nguyễn Văn Hùng- Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy cho hay.
|
CSGT đường thủy thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường sông. |
Một thực tế phức tạp nhưng dễ dàng nhìn thấy được là do nhu cầu cuộc sống, bên cạnh những tuyến giao thông đường thuỷ, những bến đò được các cơ quan chức năng cho phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật vẫn còn nhiều tàu thuyền hoạt động trên các tuyến đường, bến đò ngang tự phát, không chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Giao thông đường thủy trong mùa mưa bão tại những bến đò ngang rất nguy hiểm, nếu các phương tiện vận chuyển khách không đảm bảo quy định tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, thời gian qua, các chủ phương tiện này vẫn còn rất chủ quan, trong đó các lỗi vi phạm chủ yếu là phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo quy định, không trang bị phao cứu sinh, không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn...
Để đảm bảo an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản cho người dân, Phòng CSGT đường thủy đã phối hợp với thanh tra Sở GTVT và các lực lượng chức năng, kiểm tra phát hiện, lập biên bản đình chỉ 20 bến đò và 31 phương tiện đưa khách sang sông không đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời, yêu cầu các chủ đò phải đảm bảo các điều kiện ATGT theo quy định khi hoạt động.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, giao thông đường thuỷ nội địa luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn bất ngờ nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa đối với người tham gia giao thông đường thuỷ luôn được Phòng CSGT đường thủy đặt lên hàng đầu trong nhiệm vụ kiềm chế TNGT đường thuỷ nội địa.
Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" trên địa bàn tỉnh, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT, lực lượng CSGT đã tổ chức 24 lượt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường thủy nội địa; phát trên 2.300 tờ rơi và vận động người dân, chủ phương tiện hoạt động trên vùng sông nước ký trên 2.100 bản cam kết chấp hành TTATGT đường thủy nội địa, không dùng thuốc nổ khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
Theo thống kê của Phòng CSGT Đường thủy, Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có 27 bến đò ngang, dọc; một tuyến vận tải hành khách, hàng hóa (Sa Kỳ - Lý Sơn); 16 công trình giao thông đường thủy nội địa; 20 công trình vượt sông và trên 6.000 chiếc tàu, thuyền hoạt động trên đường thủy nội địa. |
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Phòng CSGT đường thuỷ đã chủ động nhiều biện pháp nghiệp vụ có hiệu quả. Trong đó việc xây dựng các mô hình tự quản được xác định là giải pháp hàng đầu. Nét nổi bật trong quá trình triển khai xây dựng các mô hình tự quản là sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền. Các đơn vị, ngành nghề liên quan đã chủ động ký kết quy chế phối hợp về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ.
Từ đó, người dân tích cực tham gia cùng với chính quyền và các ngành chức năng tự quản lý, bảo vệ ANTT, bảo vệ môi trường, neo đậu tàu thuyền có trật tự, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện khác. Từng thành viên của các "tổ, nhóm tự quản"', "làng chài tự quản", "cụm hợp đồng tác chiến liên xã", "tuyến, cảng, bến sông an toàn "... không chỉ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, mà còn là những thông tin viên vô cùng quan trọng, giúp đỡ đắc lực cho lực lượng chức năng phòng ngừa và bắt giữ tội phạm.
Hiện nay hoạt động giao thông thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước đi vào ổn định, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường thuỷ thì vẫn còn rất lớn. Nhìn cảnh sông nước thanh bình như hôm nay, song cũng không ít nguy cơ đang tiềm ẩn từ phía thiên nhiên cũng như con người.
"Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường tuần tra kiểm soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền của Phòng CSGT đường thủy và các lực lượng chức năng, thì cần phải có sự hỗ trợ tích cực, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các địa phương, các cơ quan chức năng, nhất là cần có sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm của người dân ở các vùng sông nước"- Thượng tá Nguyễn Văn Hùng- Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy mong muốn.
PV