Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa mùa mưa lũ: Còn lắm nỗi lo

06:09, 21/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vào mỗi mùa mưa bão việc đi lại của người dân ở những vùng chia cắt luôn là nỗi lo. Phần lớn các chủ phương tiện hành nghề đưa đò qua các bến sông vào mùa mưa đều không đủ điều kiện để hoạt động, song nếu đình chỉ hoạt động thì người dân những vùng bị cô lập gặp khó khăn, còn nếu để hoạt động thì rất nguy hiểm. Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường thủy ở các bến đò ngang, dọc trên địa bàn tỉnh vào mỗi mùa mưa, lũ nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp căn cơ.

TIN LIÊN QUAN

Hiểm họa rình rập

Mới đầu mùa mưa, nước trên các con sông lớn của tỉnh đã bắt đầu dâng cao. Ở nhiều khu vực ven sông, người dân đã phải đi lại bằng ghe, dịch vụ đưa đò cũng bắt đầu vào mùa làm ăn. Tại các bến đò như Ân Phú, xã Tịnh An (Sơn Tịnh), Đồng Min, xã Bình Dương (Bình Sơn), các bến đò dọc ven sông Re (Sơn Hà)… người dân phải qua lại trên những chiếc ghe, bè tròng trành. Trong khi đó, theo kết quả kiểm tra của ngành chức năng thì hầu hết đò chở khách chưa đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn, người lái đò chưa có chứng chỉ chuyên môn, đò không có dụng cụ an toàn cho người đi đò… Đó là chưa kể, vào mùa mưa, nhiều bến đò tự phát của người dân được hình thành dọc các tuyến sông nên không kiểm soát được. Thực tế các phương tiện dùng để chở khách vào mùa mưa tại các bến đò chủ yếu là những chiếc ghe của gia đình, ghe chở cát, sỏi, đánh cá được sử dụng, nên việc đăng ký, đăng kiểm không được thực hiện.

Việc đi lại trên những chuyến đò ngang luôn rình rập nguy hiểm
Việc đi lại trên những chuyến đò ngang luôn rình rập nguy hiểm


Theo thống kê của Phòng CSGT Đường thủy, Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có 27 bến đò ngang, dọc; một tuyến vận tải hành khách, hàng hóa (Sa Kỳ - Lý Sơn); 16 công trình giao thông đường thủy nội địa; 20 công trình vượt sông và trên 6.000 chiếc tàu, thuyền hoạt động trên đường thủy nội địa. Ngoài ra, ở một số địa phương miền núi, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc hàng ngày phải đi lại bằng những chiếc thúng băng qua các hồ chứa nước để đi làm và giao lưu với bên ngoài…

Hiện nay, Phòng CSGT Đường thủy, Công an tỉnh đã triển khai phương án phối hợp với các địa phương rà soát tất cả các bến đò ngang, dọc trên các sông, cửa biển để chấn chỉnh việc hoạt động tại các bến. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở cho các chủ phương tiện phải đảm bảo an toàn, trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, phao cứu sinh, đặc biệt là không chở quá tải. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là các phương tiện đi lại của người dân tại các bến đò đều do cá nhân tự đầu tư, hầu hết là ghe nhỏ, đến mùa mưa là mùa hoạt động làm ăn của họ vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nên việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn.

Chưa có giải pháp hữu hiệu

Nhu cầu đi lại của người dân ở những vùng bị chia cắt mùa mưa lũ là tất yếu, dù cho nước lớn thì họ phải cần lương thực, thực phẩm để sinh sống, con em họ phải đi học hàng ngày. Vì thế, sự hiện diện của các bến đò ngang  trong mùa mưa lũ cũng là cần thiết, mặc dù có nhiều bến không đủ điều kiện, không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, hầu như các chủ phương tiện hoạt động ở bến đò ngang đều là những người địa phương, họ vừa kiếm sống nhưng cũng vừa phải phục vụ nhân dân trong vùng.

Do đó, nếu cơ quan chức năng đình chỉ không cho họ hoạt động thì người dân sẽ gặp khó khăn. Ông Tuyên, người lái đò ở bến Đồng Min, xã Bình Dương chia sẻ, hàng ngày có hơn 200 học sinh trong thôn phải đến trường, hàng trăm lượt người dân phải qua lại, nếu không có đò thì họ không thể đi được, còn bảo chúng tôi phải đăng ký, đăng kiểm thì đành chịu. Nếu không cho hoạt động có khi mạnh ai có ghe người ấy đi thì càng nguy hiểm hơn.

 Lâu nay, chính quyền các địa phương có hỗ trợ cho các chủ phương tiện hoạt động đưa dân qua lại các bến sông. Cụ thể như huyện Sơn Tịnh đã hỗ trợ mỗi chủ ghe được cấp phép hoạt động 5 triệu đồng để sửa chữa ghe thuyền, trang bị áo phao, các phương tiện cứu sinh để cho người dân đi lại vào mùa mưa. Tuy nhiên, các chủ đò phải cam kết trách nhiệm việc đưa đón khách phải đảm bảo an toàn. Song, biện pháp này cũng chỉ là tình thế, mang tính động viên khích lệ là chính. Còn chuyện đảm bảo an toàn tuyệt đối như ghe, đò phải đủ lớn và được đăng ký đăng kiểm, các chủ đò phải có chứng chỉ… thì vẫn chưa thực hiện được.

Hàng chục năm nay, người dân phải đi lại qua các bến đò ngang luôn mong ước có những chiếc cầu để đi lại thuận lợi, nhưng điều này là quá khó. Với địa hình nhiều sông suối, người dân sống phân tán, nên Nhà nước không đủ kinh phí để xây dựng cầu. Còn chuyện di dời dân đến những khu vực không bị chia cắt thì càng khó khả thi, do họ đã định cư lâu dài từ trước đến giờ và địa phương cũng không dễ bố trí quỹ đất để tái định cư. Trong khi đó, việc đảm bảo các tuyến đò ngang ở tỉnh ta chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra, nhắc nhở là chủ yếu nên vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm. Nên chăng, ở những vùng đông dân cư thì Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ ghe lớn, đầy đủ phương tiện cứu sinh, đồng thời đào tạo cấp chứng chỉ cho người đủ điều kiện lái ghe phục vụ người dân đi lại an toàn hơn.

 

*Ông Đỗ Tiến Đạt- Phó Giám đốc Sở GTVT, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh:
Nhận thức được tầm quan trọng của giao thông đường thủy, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường thủy nội địa, các nghị quyết của Chính phủ và nhiều thông tư của Bộ Giao thông vận tải quy định về trang bị sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện tải khách ngang sông… Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo sát sao các địa phương cần chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, công tác đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho chủ phương tiện tàu, ghe. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh kiên quyết lập lại trật tự giao thông đường thủy, để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông thủy, nhất là trong mùa mưa lũ. Trước và trong mùa mưa lũ, nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra các bến tạm, tàu, ghe và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

*Ông Phạm Vinh- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh:
Hiện trên địa bàn huyện Sơn Tịnh vẫn còn 2 địa phương bị cô lập vào mùa mưa lũ, đó là thôn Ân Phú (Tịnh An) và xóm Lân (Tịnh Long), với gần 450 hộ dân bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể một số điểm đò ngang tự phát dọc sông Trà Khúc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà huyện vẫn chưa thể triển khai được các giải pháp căn cơ, bền vững để giải quyết khó khăn cho người dân nơi đây. Về lâu dài, chúng tôi mong các cấp, ngành nghiên cứu để tìm hướng giải quyết tình trạng chia cắt này, giúp giảm thiểu rủi ro cho bà con trong mùa mưa bão.

*Thượng tá Nguyễn Văn Hùng-Phó Trưởng Phòng CSGT Đường thủy, Công an tỉnh:
Chúng tôi khuyến cáo chủ phương tiện hoạt động đưa khách trên các bến đò và cả người dân phải tuân thủ tuyệt đối việc trang bị áo phao khi qua đò, đồng thời khi nước lớn không được chủ quan và chở quá tải. Người dân cũng không chủ quan, coi thường tính mạng chèo đò ra sông vớt củi khi có lũ lớn. Đề nghị các địa phương có bến đò hoạt động phải theo dõi thường xuyên việc hoạt động của các bến đò để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng chủ quan của người dân khi qua đò. Riêng lực lượng CSGT đường thủy phối hợp tổ chức cho người canh gác, hướng dẫn tại các khu vực có ngầm, đường qua suối, các bến đò ngang, những tuyến đường ngập sâu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại trong mùa mưa lũ…

*Ông Phạm Đình Tuấn- Đội 2, thôn Ân Phú, xã Tịnh An (Sơn Tịnh):
Là những người sống ở “ốc đảo” Ân Phú từ bao đời nay, chúng tôi đã “thấm” hết nỗi vất vả và cả sự nguy hiểm của người dân Ân Phú phải gánh chịu. Với địa hình nằm giữa dòng sông Trà Khúc, hễ lũ xuống là cả thôn gần 400 hộ bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài, chừng nào lũ rút người dân ở đây mới đi lại được, nhưng lại phải qua đò. Nhiều lúc một con đò nhỏ chỉ cho phép chở 4- 5 người, nhưng vì số lượng người quá đông nên 20-30 người cùng lên đò, không áo phao hay phao cứu sinh hết sức nguy hiểm. Mặc dù ở đây chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào, song hiểm họa chìm đò, đuối nước luôn tiềm ẩn. Sống trong cái khổ triền miên vì cảnh lội sông qua đò như vậy, nên mong muốn lớn nhất của người dân chúng tôi là được Nhà nước đầu tư cho nơi đây một cây cầu bằng bê tông cốt thép.


 X.THIÊN – N.TRIỀU

 


.