(QNĐT)- Mỗi khi có bệnh nhân là ngư dân trong quá trình khai thác thuỷ, hải sản trong khu vực ngư trường Quần đảo Trường Sa không may bị bệnh, hoặc gặp nạn, phải vào bệnh xá xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa điều trị đều được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ đón nhận với sự quan tâm hết mực, bằng cả lương tâm, trách nhiệm, tình cảm nồng hậu, chân thành, ấm áp…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chúng ta ai cũng hiểu rằng, ở đất liền, bất kỳ gia đình nào khi có người thân ốm đau phải nhập viện, cả gia đình, người thân đều quan tâm, lo lắng, chờ đợi kết quả sau điều trị hay phẫu thuật. Còn ở quần đảo Trường Sa, giữa trùng khơi mênh mông, bệnh nhân, ngư dân của chúng ta có muốn cũng không thể nhận được ánh mắt thân thương, sự chăm sóc tận tình của cha, mẹ, vợ, con… Nhưng thay vào đó họ lại được đón nhận được sự quan tâm của tập thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống, học tập, công tác, bảo vệ chủ quyền biển đảo sẻ chia.
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đến thăm hỏi, động viên ngư dân Đặng Văn Lập. |
Đêm 27/7/2013 là một minh chứng thực tiễn, cả đêm hôm đó đội ngũ y, bác sĩ, lãnh đạo, chỉ huy, chính quyền UBND xã đảo Song Tử Tây đã thức trắng để mổ, cắt ruột thừa, cấp cứu, chăm sóc ngư dân Đặng Văn Lập sinh năm 1981, quê Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi là ngư dân tàu câu mực QNg 90334-TS.
Trước đó một phương án sẵn sàng tiếp máu cho bệnh nhân, từ việc quán triệt mục đích, ý nghĩa, động viên tư tưởng, xác định quyết tâm cho những cán bộ, chiến sĩ có cùng nhóm máu với bệnh nhân đã được chuẩn bị rất kỹ. Trong số đó tiêu biểu như Trung úy Lê Minh Lương, Trung uý Nguyễn Đăng An, binh nhất Nguyễn Mạnh Tài, binh nhất Phí Văn Tùng…
Sau khi phẫu thuật thành công, bệnh nhân đã được đội ngũ y bác sĩ chăm sóc đặc biệt; từng kíp y bác sĩ thay nhau trực, theo dõi từng giờ, thăm khám và thay băng.
Đại uý, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc- Bệnh xá trưởng cho biết: Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân đã trung tiện, ăn cháo. Hiện tại tình trạng sức khoẻ bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, mạch, huyết áp ổn định, không đau bụng, băng vết mổ khô, bụng mềm. Tiến độ này dự kiến khoảng 4 đến 5 ngày nữa, bệnh nhân có thể xuất viện, về tàu tiếp tục cùng anh em thuyền viên ra khơi bám biển.
Mong muốn bệnh nhân an tâm tư tưởng, nhanh chóng khỏi bệnh; cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã chủ động đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ bằng tình cảm và vật chất, dù món quà rất nhỏ nhưng đó là cả tấm lòng, biểu hiện truyền thống “ thương người như thể thương thân…” của dân tộc Việt Nam.
Dù điều kiện vật chất sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta trên Quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Song Tử Tây nói riêng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song những việc làm như vậy xuất phát từ tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, có ý nghĩa tinh thần và giá trị nhân văn cao cả.
Tiếp xúc với bệnh nhân Đặng Văn Lập, chúng tôi cũng đã nhận được lời chia sẻ của anh: “Nếu không có đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Song Tử Tây đón nhận tôi giữa đêm khuya, kịp thời mổ cấp cứu thì không biết tính mạng của tôi sẽ như thế nào nữa. Tôi vô cùng cảm phục tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ của Bệnh xá xã đảo Song Tử Tây. Để đáp lại tình cảm của các chiến sĩ nơi đảo xa, tôi sẽ tiếp tục cùng ngư dân Việt Nam vươn khơi, bám biển làm giàu cho gia đình, quê hương đất nước, góp phần cùng các chiến sĩ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các ngư dân Việt Nam đang khai thác trên các vùng biển, đảo hãy tin tưởng rằng: Ở bất cứ nơi đâu trên biển Việt Nam, chúng ta cũng sẽ luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời của các lực lượng đang bảo vệ chủ quyền biển, đảo. “Gia đình ơi! Hãy yên tâm về con, nơi đây sức khoẻ của con đã tiến triển rất tốt, con luôn được các chiến sĩ chăm sóc và quan tâm hết lòng”- Anh Đặng Văn Lập nhắn gửi.
Bài và ảnh: Thiếu tá Nguyễn Văn Nam
(Gửi từ đảo Song Tử Tây)