(QNĐT)- Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng trên mảnh đất Quảng Ngãi anh hùng vẫn còn rất nhiều bom đạn của Mỹ - ngụy “ngủ quên” dưới lòng đất, những người chiến sỹ làm công tác rà phá bom, mìn đã phải trải qua bao khó khăn, nhọc nhằn, đổ biết bao mồ hôi công sức để góp phần trả lại sự "bình yên" cho đất và người dân.
TIN LIÊN QUAN
"Không có rút kinh nghiệm"
Đó là chia sẻ của Trung tá Đoàn Đình Long- Chủ nhiệm Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khi nói công việc của những người lính công binh làm công tác rà phá bom mìn. Hơn ai hết, Trung tá Đoàn Đình Long hiểu đây là công việc không có 3 chữ “rút kinh nghiệm".
"Công việc đòi hỏi tinh thần thép, không có chuyện "rút kinh nghiệm". Khi đã vào làm việc mọi động tác nhất nhất phải chính xác 100%, chúng tôi chưa bao giờ cho phép mình lơ là, phải chú ý toàn tâm vào việc mình đang làm bởi một sai lầm nhỏ trong thao tác cũng thể phải trả giá bằng chính tính mạng của mình và đồng đội"- anh Long cho biết.
Vất vả, nguy hiểm là một trong những yếu tố đặc thù của những chiến sĩ làm công tác rà phá bom mìn, thu gom bom mìn- vật liệu nổ, họ luôn phải thường trực, đối đầu trên mặt trận cam go ấy. Trong tất cả các công trình dân sinh, dù núi cao, suối sâu, đâu đâu đều có những bước chân thầm lặng của các anh.
Công việc rà phá bom, mìn đòi hỏi phải hết sức tỉ mỉ |
“Chúng tôi xác định là người chiến sĩ thì dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thử thách càng lớn, người lính càng trưởng thành, không cho phép lùi bước trước khó khăn"- Trung tá Long cho hay.
Trung tá Đoàn Đình Long cho biết: Niềm động viên lớn với những người làm công tác rá phá bom, mìn trong khi làm nhiệm vụ đó chính là sự sẻ chia, giúp đỡ, hợp tác của nhân dân, tạo điều kiện phát quang cây cỏ để tiến hành dò gỡ. Ngoài việc làm tốt công việc, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương triển khai chương trình giáo dục phòng tránh bom, mìn cho cộng đồng với nhiều hình thức. Chính vì thế, khi người dân phát hiện bom, mìn đều lập tức báo cho chính quyền và các đơn vị chức năng xử lý kịp thời.
Trả lại sự bình yên
…Đất nước thanh bình, nhưng những hiểm họa của bom đạn sau chiến tranh thì hằng ngày vẫn còn rình rập, đe dọa cuộc sống của người dân. Đâu đó, trên mảnh đất tưởng chừng bình yên này, nơi người nông dân cày cấy, nơi công nhân đang xây dựng, những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa... bỗng vang lên tiếng bom, mìn. Lại vẫn còn những người nằm xuống, những người mất đi một phần cơ thể. Với thực trạng bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc dò tìm, xử lý là nhiệm vụ hết sức cấp thiết.
Thực hiện Quyết định số 504 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010- 2025”, từ năm 2010 đến nay, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện Dự án “Rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2015" với tổng diện tích hơn 20.200 ha tại các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà, Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi.
Dự án được triển khai từ năm 2010 với các phần việc lập dự án, khảo sát lập phương án và dự toán thi công, các công việc chuẩn bị đầu tư. Trong 2 năm 2011 và 2012 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đôn đốc các đơn vị thi công gồm: Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh) và Công ty TNHH MTV 319-QK3 (Bộ Quốc phòng)… tổ chức các đội rà phá bom mìn, đã "làm sạch" 3.600 ha, thu gom và xử lý được 40.637 tấn bom mìn, vật nổ.
Những quả bom, mìn được tháo gỡ góp phần mang lại sự bình yên cho nhân dân |
Dự án thực hiện hoàn thành đến đâu trả lại đất sạch cho người dân địa phương canh tác, tái định cư đến đó, giúp những mảnh vườn trồng trọt của người dân đơm hoa kết trái an lành. Nhiều công trình KT-XH trọng điểm của tỉnh trong thời gian qua đã được đơn vị dò tìm bảo đảm an toàn trước khi khởi công xây dựng.
Trung tá Đoàn Đình Long chia sẻ: Khó khăn nhất hiện nay là dự án rà phá bom, mìn triển khai trên diện tích lớn, địa hình phức tạp, điều kiện đi lại khảo sát còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó mật độ ô nhiễm bom mìn trên địa bàn tỉnh ta rất lớn. Nhiều bom, mìn, vật liệu nổ bị chôn sâu lâu ngày trong lòng đã bị hoen gỉ, khiến việc phát hiện và xử lý gặp không ít khó khăn, có nhiều loại bom, mìn buộc phải hủy tại chỗ.
Dò tìm, vô hiệu hóa, xử lý bom mìn, vật nổ, chiến sĩ công binh luôn phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí hy sinh xương máu. Họ làm việc bằng khối óc, bàn tay, lòng dũng cảm và bằng cả trái tim! Những việc làm và sự hy sinh thầm lặng của các anh trên “mặt trận không tiếng súng” đã đóng góp phần công sức không nhỏ cho sự phát triển của quê hương, đất nước hôm nay.
Bài, ảnh: Bảo Ngọc