Không để dịch bệnh bùng phát

02:03, 16/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, thời tiết bất lợi, trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh thấp nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm rất cao. 
 
[links()]
Giám sát ổ dịch gia súc
 
Ông Nguyễn Trận, ở thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho biết, nhờ được cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm sớm, bệnh lở mồm long móng ở bò được phát hiện và điều trị dứt điểm nên không xảy ra thiệt hại. Đầu tháng 3/2023, nhận thấy bò có triệu chứng bệnh, ông Trận báo với chính quyền địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cử cán bộ thú y đến lấy mẫu biểu mô lưỡi gửi Chi cục Thú y vùng IV xét nghiệm. Kết quả phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút lở mồm long móng type O. Ngay sau đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng triển khai các biện pháp điều trị và khoanh vùng bao vây, không để bệnh bùng phát và lây lan ra diện rộng.
 
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại là một trong những biện pháp hạn chế dịch bệnh ở gia súc.                                     ẢNH: THANH PHONG
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại là một trong những biện pháp hạn chế dịch bệnh ở gia súc. ẢNH: THANH PHONG
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường lấy mẫu trên đàn vật nuôi, nhằm phát hiện và giám sát hiệu quả các ổ dịch. Qua đó đã phát hiện 1 mẫu dương tính với bệnh lở mồm long móng type O, 2 mẫu dương tính với vi rút dịch tả heo Châu Phi. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ cho biết, việc giám sát thường tập trung vào các ổ dịch cũ-nơi có mầm bệnh tiềm ẩn trong đàn vật nuôi hoặc môi trường. Bởi vi rút gây bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo Châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp và hiện chưa có thuốc, vắc xin phòng bệnh nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
 
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình dịch bệnh gia súc diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Trong đó, bệnh viêm da nổi cục trâu bò xuất hiện tại 12 xã, thị trấn của huyện Bình Sơn và TX.Đức Phổ, làm 79 con bò mắc bệnh (có 8 con chết); bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 2 xã Bình Chánh và Bình Phước (Bình Sơn), làm 32 con gia súc mắc bệnh. Riêng dịch tả heo Châu Phi tái xuất hiện tại các xã Trà Giang, Trà Hiệp (Trà Bồng), Tịnh Bình (Sơn Tịnh) và Hành Thiện (Nghĩa Hành), làm 41 con heo mắc bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc. 
 
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đây là những ổ dịch cũ nên song song với việc tiêu độc khử trùng môi trường, chi cục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh tiêm phòng đợt 1/2023. Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã tiêm 22,1 nghìn liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, 30,6 nghìn liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng và 4.000 liều vắc xin phòng bệnh dịch tả heo cổ điển...
 
Kiểm soát chặt dịch cúm gia cầm
 
Năm 2022, toàn tỉnh có trên 11,1 nghìn con gia cầm bị chết, tiêu hủy bắt buộc vì nhiễm vi rút A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8. Hầu hết số gia cầm này chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Toàn tỉnh có gần 5,9 triệu con gia cầm nhưng chỉ có 164,7 nghìn liều vắc xin phòng bệnh cúm được tiêm trong đợt 2/2022 (tại các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi). Đối với các huyện Sơn Tây, Trà Bồng và Lý Sơn chưa tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi vì chưa được phê duyệt kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản.
 
Ông Ngô Hữu Hạ cho biết, vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm do Nhà nước hỗ trợ và phân bổ về trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố. Người dân đăng ký nhu cầu vắc xin và tự tiêm cho đàn gia cầm dưới sự giám sát của cán bộ thú y cơ sở. Tuy nhiên, phần lớn người chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin cho gia cầm nên không thực hiện. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở còn bị động, chủ quan, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh ở gia cầm, dẫn đến phát hiện và báo cáo ổ dịch chậm, làm gia tăng nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
 
Để chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm, nhất là bệnh cúm A/H5N1, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vừa cung ứng 1 triệu liều vắc xin phòng bệnh cúm cho các địa phương trong tỉnh. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở tập trung xử lý môi trường chăn nuôi, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phát hiện và dập dịch sớm, không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động lưu thông, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên thị trường, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông... Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trái phép từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.
 
THANH PHONG 
 
 
 

.