(Báo Quảng Ngãi)- Phát huy tinh thần “đoàn kết là sức mạnh”, người dân tại các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo trong liên kết, hợp tác phát triển mô hình kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững.
[links()]
Thoát nghèo nhờ tổ hợp tác
Không có việc làm ổn định, lại vừa nuôi mẹ già nay đau mai ốm, vừa lo cho 2 con ăn học, chị Trần Thị Pha (48 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) dẫu muốn vươn lên thoát nghèo, nhưng không có đất sản xuất, lại thiếu vốn để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, khi Hội LHPN phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) thành lập mô hình “Tổ hợp tác phục vụ nấu đám tiệc” (Tổ hợp tác), chị Pha đăng ký tham gia ngay.
Chi hội nghề nghiệp máy gặt đập liên hợp, máy băm đất xã Bình Chương (Bình Sơn) thu hoạch lúa cho người dân địa phương. |
“Tổ hợp tác bắt đầu với số vốn ít ỏi 20 triệu đồng có được nhờ đi vay. Từ số tiền đó, các chị em mua sắm dụng cụ, chén bát, mượn mặt bằng và tận dụng một số dụng cụ sẵn có của mỗi gia đình để hoạt động. Lúc đầu, Tổ hợp tác nhận được chỉ 30 - 40 đơn hàng mỗi năm. Rồi dần dần, con số này tăng lên 100 - 120 đơn hàng/năm, số bàn tiệc của mỗi đơn hàng cũng nhiều hơn, có khi lên đến 50 bàn. Thu nhập của các thành viên cũng khá dần, từ khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, hoặc cao hơn. Tham gia vào Tổ hợp tác, 14 thành viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đều lần lượt vươn lên thoát nghèo”, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Phan Thị Kim Anh cho biết.
Không chỉ tạo cơ hội việc làm ổn định, trợ lực cho những phụ nữ nghèo như chị Trần Thị Pha, Tổ hợp tác còn tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. Tính đến nay, sau 10 năm thành lập, Tổ hợp tác gồm 25 thành viên ban đầu, giờ đã phát triển thêm 5 tổ hợp tác hoạt động trong cùng lĩnh vực và giải quyết việc làm thường xuyên khoảng 150 lao động. Với những hiệu quả đạt được, Tổ hợp tác phục vụ nấu đám tiệc phường Nghĩa Chánh là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu trong tạo sinh kế và hỗ trợ người dân địa phương thoát nghèo bền vững.
Chuyên nghiệp trong hoạt động
Những năm gần đây, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được nông dân xã Bình Chương (Bình Sơn) tích cực triển khai trên ruộng đồng. Với tổng diện tích gieo sạ 2 vụ của toàn xã hơn 600ha, nhu cầu của người dân về máy gặt đập liên hợp và máy băm đất là rất lớn. Nắm bắt nhu cầu của người dân, 45 hộ gia đình trên địa bàn xã Bình Chương đã mạnh dạn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp và máy băm đất để kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Sau đó, các hộ tập hợp tạo nên Chi hội nghề nghiệp máy gặt đập liên hợp, máy băm đất (Chi hội nghề nghiệp).
"Tôi mua máy gặt đập liên hợp trị giá khoảng 200 triệu đồng cách đây 7 năm. Nhận thấy hoạt động riêng lẻ không hiệu quả bằng làm việc theo mô hình tập thể, nên tôi tham gia vào chi hội nghề nghiệp, để có thể hỗ trợ nhau phát triển", anh Nguyễn Dũng, thành viên Chi hội nghề nghiệp, chia sẻ.
Sau 2 năm thành lập, Chi hội nghề nghiệp xã Bình Chương đã hoạt động hiệu quả, với tổng doanh thu hơn 4 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh, các thành viên của chi hội còn đồng lòng hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người neo đơn tại địa phương bằng cách giảm giá hoặc miễn phí dịch vụ gặt đập, băm đất.
“Chi hội máy gặt đập liên hợp, máy băm đất của xã chia ra làm 4 tổ, hoạt động tại 4 thôn, 17 xóm. Tham gia vào chi hội, chủ các máy gặt đập, máy băm đất ở mỗi tổ sẽ tham gia thảo luận, phân công và bố trí khu vực băm, gặt hợp lý và thống nhất với nhau về giá cả, chứ không còn chồng chéo như khi làm riêng lẻ. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ nông nghiệp của các hộ dân đi vào nền nếp, quy củ và ngày càng trở nên chuyên nghiệp”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chương Nguyễn Bảo Khánh cho biết.
Bài, ảnh:
Ý THU