Giúp người dân giảm nghèo bền vững

09:11, 21/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021  -  2025, các ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nghèo đa chiều, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
 
[links()]
 
Huy động mọi nguồn lực để thoát nghèo
 
Sơn Hà từng là một trong danh sách 63 huyện nghèo nhất của cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong giai đoạn 2016 - 2020, địa phương đã vận dụng linh hoạt các chính sách giảm nghèo. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện còn lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, nên sau một thời gian, người dân đã thay đổi nhận thức, tư duy và tự vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Sơn Hà giảm từ 4,5 - 5%. Đến năm 2018, Sơn Hà đã ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước.
 
Mô hình trồng bưởi ở huyện Sơn Tây là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Mô hình trồng bưởi ở huyện Sơn Tây là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, các chính sách hỗ trợ người nghèo trong tỉnh đã được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Từ các nguồn lực, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư 768 công trình cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn; triển khai 1.100 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng 17 mô hình, với hơn 45 nghìn lượt hộ tham gia. Có 1.280 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định; hơn 345 nghìn lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập; hơn 1,4 triệu lượt người được cấp thẻ BHYT, giúp người nghèo và cận nghèo tiếp cận các dịch vụ y tế, yên tâm khám, chữa bệnh khi ốm đau. Ngoài ra, có 1.563 lao động là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo được dạy nghề và hơn 108 nghìn lượt hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay hơn 3,3 nghìn tỷ đồng để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập cho gia đình...
 
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 6,41%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi còn 22,01% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).
 
Tiếp tục giảm nghèo bền vững
 
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021- 2025 đảm bảo theo kế hoạch. Phấn đấu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
 
Chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh cho người dân. Đặc biệt chú trọng công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức triển khai chương trình, đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu đề ra.
 
Hộ nghèo giảm xuống còn 8,1%
 
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Quảng Ngãi phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm xuống còn 8,1% (giảm 1,01% so với đầu năm). Xây dựng và thực hiện 40 mô hình, dự án phát triển sản xuất. Hỗ trợ việc làm bền vững cho 8.000 lao động thuộc hộ nghèo; hỗ trợ cho 100 lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 30%; 88,73% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng nghèo, vùng khó khăn có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet…
 
Bài, ảnh: V.YẾN
 
 
 

.