(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh lãi suất huy động tiết kiệm ở tất cả các kỳ hạn.
[links()]
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất huy động lên 5%, hàng loạt ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động tiền gửi. Trong đó, có nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất “kịch khung” từ 7,8 đến hơn 8% đối với khách hàng có số tiền gửi lớn và gửi kỳ hạn dài.
Mới đây, các ngân hàng thuộc nhóm “big 4” gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 - 3 tháng của Vietcombank tăng lên 4,1 - 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 - 24 tháng lên 6,4%/năm. Vietinbank cũng tăng lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 đến dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,4%/năm.
|
Khách hàng giao dịch tại BIDV Quảng Ngãi. |
Bên cạnh đó, Agribank điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng lên 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng là 4,4%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng là 4,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 - 18 tháng là 6,4%/năm. BIDV cũng điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 2 tháng lên 4,1%/năm; lãi suất huy động từ 3 - 5 tháng tăng lên mức 4,4%/năm.
Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 70,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,82% so với cuối năm 2021. Trong đó, nguồn vốn huy động lớn tập trung ở các chi nhánh Agribank Quảng Ngãi, với gần 16 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,9% so tổng vốn huy động); BIDV Quảng Ngãi, với trên 8.300 tỷ đồng (chiếm 11,9%); Vietcombank Quảng Ngãi, với gần 7.700 tỷ đồng (chiếm 11%)... |
Riêng mức lãi suất các kỳ hạn 6 - 9 tháng lên 4,7 - 4,8%/năm; lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 6,4%/năm.
Theo lý giải của nhiều ngân hàng thương mại, việc điều chỉnh lãi suất huy động là phù hợp với xu hướng chung, khi mà các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng có nhiều biến động. Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động còn chủ động nguồn cho vay, đáp ứng nhu cầu tín dụng vào cuối năm.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đinh Văn Công cho biết, hiện đã có một vài chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất cho vay nhưng không đáng kể, mặt bằng chung vẫn giữ ở mức ổn định.
Từ nay đến cuối năm, dự báo biến động về lãi suất tiền vay là không lớn và nếu có tăng thì chỉ tăng ở phân khúc cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe... Riêng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất, kinh doanh thuộc diện ưu tiên đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát ở mức quy định.
Các chuyên gia trong ngành ngân hàng phân tích, về mặt cung cầu, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến cho nhu cầu về tín dụng tăng cao. Nếu như lãi suất huy động của ngân hàng không tăng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình huy động tiền gửi tiết kiệm, ảnh hưởng đến thanh khoản.
Song một khi chi phí đầu vào tăng, lãi suất cho vay cũng biến động. Vì vậy, để giữ ổn định lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, giải pháp duy nhất và đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao là các ngân hàng thương mại cần tiết giảm các loại chi phí, cấu phần tạo nên lãi suất cho vay.
Bài, ảnh:
AN NHIÊN