(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm (2017 - 2022) Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, do vi phạm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả các nhóm khuyến nghị của EC. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Hồ Trọng Phương xung quanh vấn đề này.
[links()]
PV: Xin ông cho biết những nỗ lực của tỉnh trong 5 năm thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU?
Ông Hồ Trọng Phương: Việc thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Qua đó đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý theo tham vấn của EC, đặc biệt là xây dựng và triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017, xây dựng cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ trung ương đến địa phương.
Năm 2019, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh và năm 2021 kiện toàn ban chỉ đạo, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh đã phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. Trong đó có việc theo dõi, cập nhật đầy đủ số liệu tàu cá đã đăng ký, đăng kiểm (4.554 chiếc) và cấp giấy phép khai thác thủy sản đầy đủ trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; triển khai thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ và nghề cá thương phẩm tỉnh Quảng Ngãi, làm cơ sở để quản lý hoạt động của đội tàu khai thác ven bờ và vùng lộng... Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định chống khai thác IUU thường xuyên, liên tục và rộng rãi đến chủ tàu, thuyền trưởng, lao động đi biển, đầu nậu, thương lái và người dân ven biển... giúp mọi người hiểu được việc vi phạm IUU sẽ ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích quốc gia chứ không chỉ riêng lĩnh vực thủy sản.
Giảm tàu hành nghề lưới kéo (giã cào) không chỉ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, mà còn thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU. Ảnh: Mỹ Hoa |
PV: Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện nội dung khuyến nghị của EC về chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài như thế nào, thưa ông?
Ông Hồ Trọng Phương: Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, nhưng quá trình khai thác thủy sản, ngư dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì vậy, cùng với tuyên truyền, hỗ trợ và hướng dẫn ngư dân thực hiện tốt các quy định trong chống khai thác IUU, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu thuyền gắn với thay đổi biện pháp xử lý theo hướng kiên quyết và chặt chẽ. Theo đó, Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thường xuyên rà soát, giám sát việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Nếu tàu cá nào ngắt kết nối VMS hoặc mất kết nối VMS liên tục, quá thời gian quy định thì xử phạt nghiêm theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Trong 2 năm (2021 - 2022), cơ quan chức năng đã xử lý 227 trường hợp, xử phạt 86 trường hợp với số tiền trên 1 tỷ đồng đối với những chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển qua hệ thống giám sát tàu cá hoặc ngắt kết nối VMS thường xuyên. Sở NN&PTNT lập danh sách và thường xuyên cập nhật thông tin những chủ tàu chưa lắp đặt VMS, tàu liên tục mất tín hiệu VMS, tàu có dấu hiệu vi phạm các quy định chống khai thác IUU... để báo cáo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh và các tỉnh, thành phố ven biển để theo dõi, giám sát và kịp thời phát hiện xử lý những vi phạm. Với những biện pháp đồng bộ, chặt chẽ và quyết liệt, những năm gần đây, không có tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, góp phần cùng với cả nước thực hiện có hiệu quả các nhóm khuyến nghị và được EC đánh giá cao.
PV: Đợt thanh tra từ ngày 19 - 29/10 được kỳ vọng EC sẽ gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Vậy ngành nông nghiệp tỉnh đã có những giải pháp gì để tiếp tục duy trì việc chống khai thác IUU?
Ông Hồ Trọng Phương: Trong 5 năm qua, “thẻ vàng” thủy sản đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống ngư dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản. Khi chưa có “thẻ vàng”, thời gian và thủ tục thông quan các lô hàng thủy sản xuất khẩu nhanh, thuận lợi. Nhưng khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng phải đưa vào kiểm tra khi cập cảng, thủ tục và thời gian thông quan kéo dài, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và tốn chi phí, thậm chí rủi ro vì nguy cơ bị trả hàng. Vì vậy, sau những nỗ lực thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC, ngành nông nghiệp kỳ vọng đợt kiểm tra từ 19 - 29/10 sẽ đạt được kết quả tốt, làm cơ sở để EC gỡ “thẻ vàng” trong năm 2022.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm trong chống khai thác IUU. Ảnh: Mỹ Hoa |
PV: Xin cảm ơn ông!
MỸ HOA
(thực hiện)