Đóng góp ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh

08:10, 26/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức lấy ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, để bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo chất lượng, tiến bộ, khoa học và khả thi, trước khi tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2022.
 
[links()]
 
Cần quan tâm đến “tam nông” 
 
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn góp ý kiến về vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong dự thảo Quy hoạch tỉnh đề ra: "Hướng tới năm 2030, các lĩnh vực nông lâm thủy sản chủ lực của Quảng Ngãi là trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và trồng rừng. Hướng đến năm 2050, lĩnh vực chủ yếu của tỉnh là nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, trồng cây rừng lâu năm, dược liệu". Tuy nhiên, ông Sơn đề nghị đưa "nông nghiệp tuần hoàn và hữu cơ" lên giai đoạn đến năm 2030 để bắt kịp xu hướng phát triển chung của khu vực. Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển sẽ hỗ trợ rất nhiều cho phương pháp canh tác nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra hệ sinh thái tốt, đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn đóng góp ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn đóng góp ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp, Quy hoạch tỉnh phải xác định rõ nông lâm thủy sản nắm vai trò trọng yếu, là trụ đỡ chủ lực cho nền kinh tế nông nghiệp của Quảng Ngãi, tạo sinh kế cho phần lớn nhân dân trong tỉnh và cần phải thay đổi đầu tư vào nông nghiệp. Việc sắp xếp, tổ chức không gian các ngành nông nghiệp quan trọng là phải đi từ thực tế để phân vùng, chứ cách phân vùng như trong dự thảo Quy hoạch tỉnh là chưa phù hợp.

 
Với giải pháp về huy động và thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Quy hoạch tỉnh phải xây dựng cơ sở khoa học xác định nguồn vốn, giải pháp huy động; nguồn nhân lực cho nông nghiệp sẽ đào tạo, thu hút như thế nào. Về nguồn lực, Quy hoạch tỉnh đưa ra con số 410 nghìn tỷ đồng bình quân cho 8 năm thì mỗi năm cần 51 nghìn tỷ đồng, để thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là một con số quá lớn, tính khả thi chưa cao, cần phải cân nhắc.
 
Đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động
 
Nguyên Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hồ Quang Vịnh cho rằng, với quan điểm phát triển tổng quát, Quy hoạch tỉnh cần xác định rõ phải đổi mới sự mạnh mẽ tư duy, hành động, tận dụng triệt để các tiềm năng và nguồn lực để tạo động lực cho sự phát triển nhanh, phù hợp với xu thế phát triển xanh, bền vững. Đơn vị tư vấn cần phân tích thực trạng về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, với các điểm mạnh - yếu, cơ hội và thách thức, cũng như tác động từ bên ngoài vào nền kinh tế trong cả thời kỳ quy hoạch. Từ đó xác định phương án phát triển cho thời kỳ quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050. Với phương án này, đến năm 2030, tỷ trọng của công nghiệp (CN) và dịch vụ cơ cấu trong GRDP khoảng 72% - 73% cũng sẽ tạo thêm nguồn lực, nhất là nguồn tài chính để bổ sung cho nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng.
 
Các chuyên gia cho rằng, Quảng Ngãi cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN. Trong ảnh: Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.
Các chuyên gia cho rằng, Quảng Ngãi cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN. Trong ảnh: Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.
 Về việc phân bổ nguồn lực, Quy hoạch tỉnh có nêu: “Trong giai đoạn 2021  -  2030, Quảng Ngãi tiếp tục phát triển với các ngành CN nền tảng dầu, thép là chủ lực. Ở các giai đoạn sau, kịch bản này đề xuất các định hướng phát triển và phân bổ nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển các lĩnh vực khác mang tính giá trị kinh tế cao và phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai”. Nhiều chuyên gia cho rằng, nội dung này cần cân nhắc thêm, vì từ của cụm từ “ở giai đoạn sau” (tức sau năm 2030) mới phân bổ nguồn lực sẽ dẫn đến chậm nhịp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển tổng quát. Hơn nữa, ngoài xác định ngành CN chủ lực là dầu và thép, thì cũng cần xây dựng trụ cột CN thêm loại hình CN xanh, CN công nghệ cao.
 
Bên cạnh đó, căn cứ vào yêu cầu phát triển đề ra trong Quy hoạch thì mới định hướng danh mục đầu tư ưu tiên từ nguồn vốn ngân sách, bám sát với không gian phát triển đã xây dựng. Trong ưu tiên đầu tư, cần lập danh mục cụ thể, phân kỳ đầu tư phù hợp khả năng tài chính, tránh tập trung vào thời kỳ cuối quy hoạch. Đối với hạ tầng giao thông (dự án sân bay Lý Sơn), cần phải gắn với định hướng vai trò đô thị biển, du lịch biển của Lý Sơn và của cả tỉnh nằm theo trục TP.Quảng Ngãi - Lý Sơn - Dung Quất. Trong đó hết sức cân nhắc các điều kiện đất đai, bảo tồn di sản, hiệu quả đầu tư trong tương lai, khả năng khai thác...
 
Phát triển công nghiệp gắn với kiểm soát môi trường
 
Theo nguyên Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Lê Văn Dũng, hiện nay, các yếu tố là lợi thế so sánh của tỉnh đang giảm dần; đất đai ngày càng khó tiếp cận hơn, chi phí bồi thường cao là những bất lợi trong phát triển CN. Để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển CN của tỉnh, cần tập trung hỗ trợ triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, kéo theo hình thành tổ hợp hóa dầu và sau hóa dầu. Triển khai xây dựng các tổ hợp điện khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh gắn với tổ hợp hóa dầu. Tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Hòa Phát triển khai dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và chuỗi sản xuất sau thép thành trung tâm luyện kim thứ 2 của Việt Nam, gắn với Tổ hợp cảng chuyên dùng và cảng container. Tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án KCN VSIP Quảng Ngãi II, diện tích khoảng 2.000ha; hỗ trợ các nhà đầu tư khác đầu tư các KCN để thu hút các dự án CN nhẹ. Đồng thời, xây dựng cơ cấu lại các cụm CN theo hướng phân bổ lại các cơ sở sản xuất nhỏ theo vùng và giảm thiểu các cơ sở sản xuất lạc hậu, giá trị gia tăng thấp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường thu hút các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở các khu vực có tiềm năng và đất đai thuận lợi.
 
Việc phát triển KKT, KCN và cụm CN cần gắn liền với hoạt động kiểm soát môi trường. Quy hoạch tỉnh cần xác định mỗi KCN, cụm CN có một cơ sở xử lý môi trường tập trung, đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Riêng KKT Dung Quất, mỗi nhà máy CN nặng phải đầu tư một cơ sở xử lý môi trường riêng, kèm theo là các cơ sở quan trắc độc lập gắn với trung tâm quan trắc môi trường toàn KKT do Nhà nước đầu tư và vận hành. Đến năm 2050, cần cơ cấu định hướng thu hút đầu tư để hình thành các ngành sản xuất mới, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu hướng phát triển KH - CN và xu hướng thị trường, gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
Tiếp thu góp ý để hoàn thiện quy hoạch
 
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An khẳng định, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong năm 2022, là cơ sở để Quảng Ngãi phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai. Vì vậy, những ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên trong tỉnh sẽ được ghi nhận, tổng hợp, xem xét, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh, nhằm hoàn thiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển, đảm bảo Quy hoạch tỉnh thực sự là quy định khung phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển và hội nhập của Quảng Ngãi.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 

.