(Báo Quảng Ngãi)- Khu vực nông thôn, đặc biệt là miền núi, hải đảo của tỉnh đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Để góp phần đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) đã tập trung hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản.
[links()]
Đồng hành cùng nông dân vùng khó
Năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại với chuyên đề "Tập trung tuyên truyền, quảng bá tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh".
Đây là hoạt động thiết thực, nhằm tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đặc sản có lợi thế và tiềm năng tại các địa bàn miền núi và hải đảo của tỉnh tham gia thị trường. Qua đó, làm tăng hiệu ứng lan tỏa tinh thần tiêu dùng nông sản đến đông đảo người dân, thu hút đầu tư vào các huyện miền núi, hải đảo của tỉnh.
Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương, mà còn đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Sản phẩm tre đan, thổ cẩm đặc trưng của huyện Ba Tơ tham gia Phiên chợ hang Việt tại huyện Lý Sơn năm 2022. |
Nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản nổi tiếng như quế Trà Bồng; thổ cẩm Làng Teng (Ba Tơ); ổi, bưởi, gà đen, mắm cá niên, gà kiến Sơn Hà, chè Minh Long, tỏi Lý Sơn... đã được chú trọng phát triển thị trường, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, việc kết nối đưa những sản phẩm này đến tay người tiêu dùng chưa được thường xuyên. Nhiều người dân trong tỉnh vẫn chưa biết đến các sản phẩm của nông dân miền núi, hải đảo để lựa chọn, ủng hộ tiêu dùng sản phẩm.
Vì thế, năm 2022, đơn vị chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng, góp phần kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển thương mại của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương trình "Tập trung tuyên truyền, quảng bá tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh" năm 2022 được nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ hợp sản xuất tại các huyện Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây và Lý Sơn tích cực tham gia.
Trước khi triển khai chương trình, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức khảo sát nhu cầu của các đơn vị để có cơ sở xây dựng nội dung chương trình phù hợp, hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Trịnh Lam cho biết, các đơn vị đều mong muốn được hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông và tại các sự kiện lễ hội, hội chợ, phiên chợ. Đồng thời, mong muốn được hỗ trợ trang thiết bị để sơ chế, bảo quản nông sản đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng ổn định quanh năm. Trung tâm đang tổng hợp nhu cầu của các đơn vị và sẽ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc hỗ trợ để thực hiện trong thời gian tới.
Đưa đặc sản Quảng Ngãi đi muôn nơi
Từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích DN liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần mở rộng thị trường, tạo việc làm ổn định cho người dân.
Trong 9 tháng năm 2022, thông qua các sự kiện quảng bá, kết nối cung cầu trong tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và toàn quốc, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã làm cầu nối đưa nông sản, nhất là đặc sản Quảng Ngãi đến người tiêu dùng ở nhiều vùng miền trong cả nước.
Cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn của Công ty CP Dori. |
Điển hình là phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Quảng Trị tổ chức Hội nghị kết nối giao thương với tỉnh Quảng Trị; tổ chức gian hàng triển lãm sản phẩm đặc trưng của Quảng Ngãi tại Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022” (Bình Định); tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 tại Ninh Thuận.
Hướng dẫn, hỗ trợ và thông tin cho các DN trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” tại TP.Đà Nẵng.
Hội nghị sơ kết diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về miền núi và hải đảo tại huyện Minh Long, Trà Bồng và Lý Sơn, tạo cơ hội giao thương hàng hóa giữa các vùng miền.
Hỗ trợ kỹ năng kinh doanh
Cùng với các hoạt động hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh còn phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm kinh doanh, bán hàng trực tuyến tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng cho các cán bộ ngành thương mại và hợp tác xã, cơ sở kinh doanh, tổ hợp sản xuất...
Đơn cử như cuối tháng 8/2022, dưới sự chỉ đạo của Sở Công thương, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Shopee Việt Nam tổ chức lớp tập huấn “Bán hàng, kinh doanh trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Shopee", với sự tham dự của hơn 120 người. Qua đó, hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân các thông tin về phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Báo cáo viên thuộc Công ty TNHH Shopee Việt Nam chia sẻ cách thức tiếp cận và bán hàng đạt hiệu quả trên Shopee; các yếu tố thúc đẩy doanh số, thiết lập quy trình chăm sóc khách hàng toàn diện và đảm bảo tiêu dùng an toàn.
Xã viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) thu hoạch bưởi, đưa đi tiêu thụ. |
Đặc biệt là truyền đạt kiến thức cơ bản về đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của Quảng Ngãi có cơ hội tiếp cận khách hàng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua phương thức thương mại điện tử và hệ thống logistics hiện đại.
Liên quan đến hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu dùng trên môi trường số, trong tháng 10/2022, Quảng Ngãi sẽ thực hiện "Tháng tiêu dùng số", với thông điệp chính quyền nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó, DN và các cơ sở kinh doanh nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; DN công nghệ nỗ lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội.
Tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trên môi trường số. Vì thế, việc hỗ trợ quảng bá tiêu dùng sản phẩm miền núi, hải đảo cũng cần đặc biệt quan tâm kết nối, để hòa nhập cùng môi trường kinh doanh mới hiện đại, hiệu quả này.
"Mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng tiềm năng sản xuất hàng hóa ở miền núi và hải đảo rất lớn, với nhiều sản vật được thiên nhiên ban tặng; nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tìm đầu ra cho các sản phẩm. Trong đó, chú trọng kết nối, đưa sản phẩm vào siêu thị, trung tâm thương mại, hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững. Ngành công thương rất cần sự chung sức từ nhiều phía để nâng cao hơn nữa giá trị hàng hóa ở miền núi, hải đảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương" Phó Giám đốc Sở Công thương ĐỖ TIẾN ĐẠT |
Bài, ảnh: THANH NHỊ