Tập trung gỡ "thẻ vàng" thủy sản

09:09, 21/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm góp sức cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
 
[links()]
 
Dự kiến cuối tháng 10/2022, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra việc khắc phục chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với các nội dung: Khung pháp lý, quản lý giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tình hình xử phạt vi phạm hành chính đối với các tàu cá vi phạm.
 
Tiếp tục nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập 
 
Quảng Ngãi là một trong những địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, nhất là xử phạt nghiêm những tàu vi phạm IUU, góp phần giảm đáng kể tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Trong 9 tháng năm 2022, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 38 trường hợp/37 phương tiện với số tiền 476,5 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 1.840 tàu cá được đăng kiểm, 95% tàu cá đã đánh dấu; có 3.424/4.554 tàu cá được cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch (trong đó có 2.859/3.221 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên); có 2.921/3.221 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS).
 
Lực lượng chức năng kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung quan trọng trong khuyến nghị của EC mà Quảng Ngãi thực hiện chưa đạt yêu cầu. Đó là tỷ lệ lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá còn thấp. Hiện còn 63 tàu cá hoạt động trong tỉnh chưa lắp đặt thiết bị VMS. Ngư dân không chấp hành đầy đủ lịch trình khai thác; việc ghi, nộp và thu nhật ký khai thác thủy sản hoặc báo cáo khai thác thủy sản đối với tàu có chiều dài dưới 15m đạt thấp. Nhiều tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản. Tình trạng tàu cá mất kết nối trên biển, chủ tàu tháo các thiết bị đường truyền tin để đi khai thác trái phép, khai thác sai vùng sai nghề trái tuyến... vẫn còn xảy ra.
 
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát tàu cá tại địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay đã phát hiện 380 tàu cá (chiều dài từ 15m đến dưới 24m) của Quảng Ngãi vượt ra khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống giám sát tàu cá và 612 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng thông báo, trong 9 tháng qua đã phát hiện 29 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên của Quảng Ngãi bị mất kết nối trên 10 ngày trên biển, 1 tàu cá vượt ra khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống giám sát tàu cá.
 
Cần sự thống nhất và đồng bộ
 
Để ngăn chặn 14 hành vi khai thác vi phạm IUU, Luật Thủy sản quy định phải kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thủy sản đánh bắt ngay trong lúc bốc dỡ sản phẩm tại các cảng cá. Nếu phát hiện tàu cá vi phạm, ban quản lý các cảng cá từ chối bốc dỡ sản phẩm, sau đó chuyển cho cơ quan quản lý xử lý theo quy định. Giám đốc ban quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết, việc kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo tàu cá của tỉnh tuân thủ theo quy định của pháp luật, bảo vệ nguồn lợi, góp phần phát triển nghề cá theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vì hạ tầng các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền vừa thiếu vừa yếu, nguồn nhân lực mỏng, cộng với chưa được đầu tư hệ thống máy móc giám sát nên việc kiểm tra sản phẩm thủy sản ngay lúc bốc dỡ gặp nhiều khó khăn, có lúc chậm trễ.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, EC yêu cầu phải đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá VMS, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU và chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Nếu không thực hiện tốt những nội dung này thì đợt kiểm tra sắp tới, nguy cơ cao EC sẽ áp “thẻ đỏ”.
 
Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền các quy định chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng; đồng thời tập trung rà soát, củng cố hồ sơ kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Sở NN&PTNT cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương, đơn vị phải thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý tàu cá, kiểm soát sản phẩm thủy sản đánh bắt khi bốc dỡ tại cảng cá ở tất cả các địa phương trong cả nước, tránh tình trạng nơi "cứng nhắc, chỗ xuê xoa”.
 
Ông Hồ Trọng Phương nhấn mạnh, việc thực thi các giải pháp chống khai thác IUU hướng đến mục tiêu cuối cùng là giúp ngư dân khai thác hải sản có trách nhiệm nhằm ổn định sinh kế với nghề cá. Lực lượng chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm thực hiện các hoạt động khai thác hải sản. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh xử phạt nghiêm. 
         
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
Xử lý nghiêm tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp
 
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về triển khai các biện pháp chống IUU vào sáng 20/9. Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
 
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, công tác xử phạt các hành vi khai thác IUU đã được tăng cường, trong 9 tháng năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã xử phạt 1.000 vụ, với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng... Tuy nhiên, công tác cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu dưới 15m chỉ đạt 46,6%, làm ảnh hưởng đến việc quản lý đội tàu khai thác thủy sản. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở các nước trong khu vực tiếp tục xảy ra với 62 vụ/85 tàu/704 ngư dân; trong đó có 43 vụ/58 tàu/440 ngư dân đã xác định vi phạm vùng biển nước ngoài; 19 vụ/27 tàu/264 ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, khu vực bắt giữ, xử lý chưa rõ tọa độ...
 
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tập trung rà soát, thống kê lại toàn bộ đội tàu cá tham gia khai thác thủy sản gắn với sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật thủy sản, định mức kinh tế kỹ thuật về quản lý tàu cá, cảng cá, thiết bị VMS... Đồng thời, phối hợp chuẩn bị tốt nội dung cũng như chủ động tiếp đón và làm việc có hiệu quả với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu. 
 
PV

 

 

.