Làng mộc Nghĩa Hiệp: Linh hoạt, đổi mới để phát triển

11:08, 30/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghề mộc Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) có truyền thống lâu đời hàng trăm năm. Những năm qua, để thích ứng với thị trường, người dân làng nghề mộc Nghĩa Hiệp đã mạnh dạn đầu tư, đưa máy móc vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
 
[links()]
 
Đưa máy móc vào sản xuất
 
Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và không để nghề truyền thống của địa phương mai một, nhiều người trẻ ở xã Đức Hiệp đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư máy móc để đưa nghề mộc phát triển theo hướng hiện đại hơn. Người đi tiên phong trong lĩnh vực này là anh Đỗ Thanh Quốc Huy, ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp.
 
Anh Đỗ Thanh Quốc Huy, ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), sử dụng máy móc trong chạm khắc gỗ.
Anh Đỗ Thanh Quốc Huy, ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), sử dụng máy móc trong chạm khắc gỗ.
Anh Huy chia sẻ, hơn chục năm trước, đồ gỗ ở Từ Sơn (Bắc Ninh), Thạch Thất (Hà Nội) và từ các tỉnh Tây Nguyên chuyển về Quảng Ngãi rất nhiều. Với chất lượng gỗ khá tốt và giá thành “mềm”, các sản phẩm ấy đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với đồ gỗ Quảng Ngãi, khiến người làm nghề mộc ở Nghĩa Hiệp rơi vào khó khăn. Lần theo địa chỉ của những hàng mộc nhập về, tôi đã tìm đến các cơ sở làm nghề mộc ở Bắc Ninh tìm hiểu. Tại đây, tôi mới biết, các chủ xưởng đã đầu tư tiền của để mua máy móc cưa xẻ gỗ từ nhiều năm trước. Thậm chí, họ đã ứng dụng cả máy đục gỗ điều khiển bằng vi tính trong việc chạm khắc sản phẩm.
 
Trở về quê, anh Huy quyết định đầu tư máy móc, học hỏi cách ứng dụng kỹ thuật mới vào phát triển nghề mộc tại địa phương. Sau đó, người dân làng nghề mộc Nghĩa Hiệp đã bắt nhịp với xu thế mới, đồng loạt mua sắm máy móc để xẻ gỗ, tạo ra các sản phẩm đa dạng và như ý, mà không cần phải tốn nhiều thời gian, công sức. Nhờ linh hoạt thích ứng với những thay đổi của thị trường, các sản phẩm của người dân làng nghề mộc Nghĩa Hiệp làm ra ngày càng tinh xảo, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
 
“Hiện nay, hầu hết các công đoạn sản xuất, chế tác để làm nên sản phẩm từ gỗ đều có sự tham gia của máy móc. Trước kia làm thủ công, mỗi năm chỉ sản xuất được 5 - 7 bộ bàn, ghế, thì với máy móc hiện đại, bây giờ chúng tôi làm được 50 - 70 bộ sản phẩm/năm. Việc sử dụng máy móc không chỉ tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, lao động thủ công, mà quan trọng nhất chính là tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có độ tinh xảo cao”, anh Huy bày tỏ.
 
Mong muốn làng nghề có thương hiệu riêng
 
Xã Nghĩa Hiệp hiện có khoảng 150 hộ làm nghề mộc; trong đó phần lớn tập trung ở thôn Đông Mỹ, với trên 80 hộ. Dù nghề mộc có truyền thống lâu đời hàng trăm năm nhưng đến nay, làng nghề này vẫn chưa được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của người dân làm nghề mộc ở Nghĩa Hiệp là được ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cho làng nghề này.
 
Mới đây, anh Đỗ Thanh Quốc Huy đã thuê một khu đất rộng hơn 1.000m2 của Hợp tác xã Tây Hiệp (Nghĩa Hiệp) để mở cơ sở 2, làm nơi tập kết gỗ và xẻ gỗ thô cho khách hàng. Anh Huy cũng dự định mở một gian hàng để trưng bày các sản phẩm của gia đình và người dân ở làng nghề làm ra. “Dù là làng nghề truyền thống lâu đời, nhưng chúng tôi vẫn chưa có chỗ trưng bày sản phẩm để khách hàng đến tham quan, tìm hiểu và mua sắm. Sau khi có gian hàng trưng bày, tôi sẽ hỗ trợ người dân làng nghề trưng bày sản phẩm miễn phí, thậm chí sẽ bán hàng thay cho họ. Điều chúng tôi mong muốn nhất là, chính quyền địa phương sớm quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để người dân làm nghề mộc có điều kiện đầu tư, mở rộng làng nghề”, anh Huy nói.
 
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Võ Thị Thịnh cho biết, sắp tới xã sẽ tìm hiểu nguyện vọng của người dân. Nếu người dân mong muốn đăng ký thương hiệu cho làng nghề, thì sẽ bàn thảo, thống nhất lấy tên gì, vì cái tên Nghĩa Hiệp đã có một doanh nghiệp đăng ký rồi, nên không được. Đối với việc mở rộng làng nghề, quỹ đất của địa phương hạn hẹp, nên xã sẽ kiến nghị lên huyện đưa vào quy hoạch để có chỗ cho người dân  làm nghề, tạo điều kiện cho nghề truyền thống này phát triển.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.