Kiên trì để khởi nghiệp thành công

11:08, 29/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không ít bạn trẻ gặp khó khăn, thất bại trong khởi nghiệp, nhưng điều đó càng khiến họ kiên trì, quyết tâm để thành công trên con đường lựa chọn.  
 
[links()]
 
Tận dụng lợi thế của làng biển 
 
Sinh ra ở làng chài Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn), chị Ưng Thị Thu Thủy (35 tuổi) đã tận dụng nguồn hải sản dồi dào, tươi sống hằng ngày của địa phương để khởi nghiệp với cơ sở sản xuất các loại mắm và cung cấp cá biển tươi phi lê, cá khô các loại. Từ một cơ sở nhỏ, sau gần 4 năm khởi nghiệp, cơ sở sản xuất mắm của chị có quy mô lớn nhất xã, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ.
 
Từ nguồn hải sản ở địa phương, chị Ưng Thị Thu Thủy, ở xã Bình Trị (Bình Sơn) đã làm ra những sản phẩm mắm đậm đà, được nhiều khách hàng ưa chuộng.                      Ảnh: Hiền Thu
Từ nguồn hải sản ở địa phương, chị Ưng Thị Thu Thủy, ở xã Bình Trị (Bình Sơn) đã làm ra những sản phẩm mắm đậm đà, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Hiền Thu
Trước đây, chị Thủy là giáo viên mầm non. Sau vài năm làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, nhận thấy bản thân không phù hợp với công việc này, chị Thủy quyết định nghỉ việc về quê tìm hướng đi mới. Năm 2018, chị Thủy mạnh dạn mở xưởng sản xuất các loại mắm và cung cấp cá biển phi lê, cá khô các loại. Những ngày đầu bắt tay vào công việc sản xuất mắm, chị Thủy gặp khá nhiều khó khăn. Dù đã đến nhiều làng nghề làm mắm có tiếng trong tỉnh để tham quan, học hỏi cách chế biến, nhưng chị Thủy không tránh khỏi thất bại ở những mẻ đầu. Chị Thủy chia sẻ, những ngày đầu khởi nghiệp tôi gặp khó khăn không chỉ về vốn, mà còn về công thức, cách chế biến sản phẩm. Điều đó không làm tôi nản lòng. Tôi ghi lại những lỗi mình mắc phải trong quá trình chế biến, sản xuất để rút ra bài học cho mình. Sau vài lần thất bại, tôi cũng đã chế biến thành công các sản phẩm, cung ứng ra thị trường.  
 
Chị Thủy luôn chú trọng chất lượng sản phẩm và uy tín trong kinh doanh. Bởi vậy, các sản phẩm mắm cũng như các loại hải sản phi lê, khô, tẩm gia vị từ cơ sở sản xuất của chị Thủy được khách hàng tin dùng. Từ nguồn nguyên liệu hải sản phong phú của quê hương, chị Thủy làm ra nhiều sản phẩm mắm như mắm cá cơm, mắm mực, mắm ruốc, mắm cá cơm muối chua... có chất lượng. Trung bình mỗi tháng, chị Thủy xuất bán gần 1.000 lít mắm các loại và trên 500kg cá phi lê, cùng các loại hải sản khô, tẩm gia vị. "Có khách hàng ổn định, tôi không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Thời gian tới, cùng với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tôi tiếp tục mở rộng thị trường, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm để bắt mắt hơn. Đồng thời, tập trung mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm chính là các loại mắm", chị Thủy chia sẻ. 
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trị Nguyễn Thị Ngọc Tâm nhận xét, từ một cơ sở nhỏ, chủ yếu cải thiện thu nhập cho gia đình, sau gần 4 năm khởi nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm của chị Thủy đã có quy mô lớn nhất xã. chị Thủy là cô gái trẻ nhưng đầy bản lĩnh, siêng năng và là tấm gương sáng để nhiều chị em phụ nữ ở địa phương học hỏi.  
 
Khấm khá từ nghề sản xuất ván lạng
 
Với tâm niệm “cứ cố gắng hết sức sẽ được bù đắp”, anh Nguyễn Phú Thường (38 tuổi), ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương (Bình Sơn) đã nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ nghề sản xuất ván lạng.
 
Anh Nguyễn Phú Thường (bên phải) ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương (Bình Sơn) chia sẻ với cán bộ Hội nông dân xã Bình chương về quy trình cho ra sản phẩm ván lạng.                       Ảnh: Kim Trang
Anh Nguyễn Phú Thường (bên phải) ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương (Bình Sơn) chia sẻ với cán bộ Hội nông dân xã Bình chương về quy trình cho ra sản phẩm ván lạng. Ảnh: Kim Trang
Chúng tôi tìm đến nhà anh Thường, dưới cái nắng oi bức của những ngày tháng 8. Không khí lao động tại cơ sở ván lạng của anh Thường vẫn luôn hối hả, nhộn nhịp. Từng là chủ một xưởng mộc, anh Thường nhận thấy công việc này vất vả nhưng thu nhập không cao, thị trường cạnh tranh lại ngày càng khó khăn, nên anh trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Năm 2019, anh Thường quyết định chuyển xưởng mộc thành cơ sở sản xuất ván lạng. "Từng làm nghề mộc nên tôi bắt kịp nhanh với công việc sản xuất ván lạng. Song, tôi thận trọng tính toán để tránh những thất bại đáng tiếc”, anh Thường chia sẻ.
 
Sau khi lên kế hoạch rõ ràng, chàng trai 8X đã đến những nơi có cơ sở sản xuất ván lạng lâu năm để tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ. Sau khi tìm được đầu ra ổn định, anh Thường mạnh dạn dùng hết số vốn mình tích góp được để mua máy móc sản xuất ván lạng hiện đại. Sau 4 năm đầu tư sản xuất ván lạng, hiện nay, bình quân mỗi tháng anh xuất bán khoảng 500m3 ván lạng, tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động địa phương, với mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. “Từ nguyên liệu gỗ keo, bạch đàn thô, qua hệ thống máy móc sẽ tạo ra được sản phẩm ván lạng có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị ban đầu. Cùng với thu mua gỗ của người dân, sắp tới tôi dự định sẽ liên kết với các hộ trồng rừng gỗ lớn trong tỉnh để trồng các loại gỗ nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất ván lạng”, anh Thường cho biết thêm. 
 
 Anh Trương Văn Bạc (40 tuổi), ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương chia sẻ, tôi làm việc tại cơ sở sản xuất ván lạng của anh Thường được gần 4 năm. Nhờ đó, đời sống kinh tế của gia đình tôi ổn định, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học. "Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn. Cuộc sống bấp bênh, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ nhờ vào vài sào ruộng trên vùng đất khô cằn. Tôi được anh Thường tạo điều kiện cho vào làm việc tại cơ sở của anh, từ đó tôi có việc làm và thu nhập ổn định. Mức lương mỗi tháng 10 triệu đồng là khá cao đối với người nông dân vùng đất đồi núi như chúng tôi", anh Bạc phấn khởi nói. 
 
Từ sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, anh Thường đã thành công trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm liền anh được UBND xã Bình Chương biểu dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. "Sự thành công của anh Nguyễn Phú Thường đã khẳng định hướng đi hiệu quả trong việc liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm lâm nghiệp. Anh Thường không chỉ là tấm gương năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, mà còn là người có tấm lòng nhân ái, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người từng lầm lỡ với mong muốn làm lại cuộc đời", Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chương Nguyễn Bảo Khánh chia sẻ.
 
H.THU - K.TRANG
 
 

.