(Baoquangngai.vn)- Niên vụ 2021 - 2022, các giống mì kháng bệnh, sạch bệnh khảm lá được đưa vào trồng khảo nghiệm tại nhiều địa phương trong tỉnh. Sau 6 - 7 tháng trồng, các ruộng mì phát triển tốt, kỳ vọng sẽ cho ra nguồn giống chất lượng để đưa ra sản xuất trên diện rộng.
[links()]
Nông dân phấn khởi
Là một trong những hộ đầu tiên được trồng giống mì KM94 sạch bệnh, ông Nguyễn Văn Lựu, ở thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), phấn khởi vì ruộng mì phát triển rất tốt. Cây mì cao, to, tán rậm, xanh tốt vượt trội so với nhiều ruộng mì lân cận trồng giống mì cũ đang còi cọc, chết yểu.
Ông Lựu cho biết, nông dân bất lực vì cây mì bị bệnh khảm lá. Qua mỗi năm, cây mì bị bệnh càng nặng hơn, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Niên vụ 2020 - 2021, khoảng 50% diện tích mì vừa nảy mầm đã bị quăn đọt, không phát triển rễ, còi cọc rồi chết yểu. Mỗi sào nông dân chỉ thu hoạch được chừng 800kg củ, không đủ bù vào chi phí đầu tư.
Nông dân xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) phấn khởi vì các giống mì mới kháng bệnh khảm tốt, ước cho năng suất cao. |
Vụ này, ông Lựu là một trong 10 hộ nông dân trong thôn được Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh hỗ trợ giống mì mới để trồng khảo nghiệm trên diện tích 2,5 sào. Ông Lựu chia sẻ, các ruộng mì trồng khảo nghiệm phát triển vượt trội so với giống mì cũ, nhổ lên cũng cho củ nhiều hơn. Nông dân rất vui và nóng lòng chờ các giống mới đưa vào sản xuất đại trà.
Ruộng mì 2 sào của gia đình ông Trương Quang Đông cũng phát triển tốt, lá to, thân cây to, cao, phân nhánh sớm. “Chỉ mới 6 tháng trồng, mì đã đạt trọng lượng trung bình hơn 5kg/cây. Đến khi thu hoạch là hơn 9 tháng, năng suất chắc chắn không thua giống mì cũ”, ông Đông phấn khởi nói.
Các ruộng mì trồng giống cũ bị nhiễm bệnh nặng chết yểu. |
Nhân rộng giống mới
Niên vụ 2021 - 2022, huyện Sơn Tịnh phối hợp với các viện nghiên cứu giống cây trồng đưa các giống mì kháng bệnh khảm lá gồm: HN1, HN3, HN5, HLS14 và KM94 sạch bệnh vào trồng khảo nghiệm tại xã Tịnh Bình và Tịnh Thọ.
Bước đầu cho thấy các giống mì này có ưu điểm vượt trội hơn các giống mì cũ về kháng bệnh khảm, năng suất, lượng phân bón cũng giảm nhiều so với canh tác các giống bị khảm lá. Trong khi đó, các ruộng mì khác trồng giống cũ bị khảm lá ngay từ khi nảy mầm.
Huyện Sơn Tịnh cũng phối hợp với Viện Di truyền, Sở KH&CN thực hiện đề tài nhân giống mì HN5 và HN3. Dự kiến đến niên vụ 2022 - 2023, huyện nhân rộng ra 100ha với 2 giống mì này. Huyện cũng đang tiếp tục đưa 9 loại giống vào khảo nghiệm chọn lọc những giống tốt để nhân giống.
Nông dân chờ nhân rộng sản xuất đại trà các giống mì mới. |
Sở NN&PTNT cũng đưa giống mì HN3 vào trồng với diện tích 10ha tại huyện Sơn Hà và Nghĩa Hành. Cùng với giống mì HN5, giống mì HN3 đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống kháng được bệnh khảm lá tốt nhất và cho phép trồng đại trà tại khu vực Đông Nam Bộ.
Giống mì HN3 vượt trội về tốc độ sinh trưởng. Cây mì lớn nhanh, tán rậm nên hạn chế cỏ dại. Sau 7 tháng trồng, mì đạt trọng lượng củ trung bình 5kg/cây.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết, giống mì HN3 kháng được bệnh khám lá tốt, năng suất ước đạt tương đương giống mì KM94. Vụ tới, Sở NN&PTNT sẽ trồng đại trà 60ha.
Bệnh khảm lá trên cây mì xuất hiện từ năm 2017, đã lan rộng trên cả nước và ngày càng nghiêm trọng khiến người trồng mì gặp nhiều khó khăn. Nhân rộng các giống mì kháng bệnh khảm lá là tin vui cho nông dân, từng bước khôi phục các vùng nguyên liệu mì, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Bài, ảnh:
ÁI KIỀU