(Báo Quảng Ngãi)- Để KKT Dung Quất phát triển bền vững, thời gian qua, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung KKT Dung Quất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đồ án) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
[links()]
Phát triển đa ngành, đa lĩnh vực
Theo Đồ án, phạm vi ranh giới quy hoạch có quy mô trên 45,3 nghìn héc ta; trong đó, phần diện tích đất liền trên 33,58 nghìn héc ta, đảo Lý Sơn gần 1.040ha và diện tích mặt nước (vùng biển) trên 10,7 nghìn héc ta. Tầm nhìn đến năm 2050, KKT Dung Quất phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.
|
Khu Kinh tế Dung Quất được quy hoạch xây dựng trở thành trung tâm công nghiệp và năng lượng quốc gia. Trong ảnh: Khu vực bể chứa sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: T.L |
Theo đó, KKT Dung Quất sẽ được xây dựng, phát triển thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng, với các ngành chủ đạo như luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu. Đây cũng là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Toàn bộ KKT Dung Quất được chia làm 5 phân khu chức năng chính, gồm các phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ: Bắc Dung Quất; Châu Ổ - Bình Long; nam Dung Quất; phân khu đô thị, dịch vụ đông nam Dung Quất và phân khu đô thị Lý Sơn.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh triển khai thực hiện 8 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tại KKT Dung Quất. Qua đó, góp phần chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, hạ tầng và dịch vụ tiện ích để đáp ứng kêu gọi đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của KKT Dung Quất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hình thành trung tâm công nghiệp và năng lượng quốc gia
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương chia sẻ, tỉnh đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ hình thành trung tâm công nghiệp và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất. Đồng thời, phát triển các KCN theo định hướng KCN sinh thái, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, với định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh, KKT Dung Quất sẽ đa dạng hóa các loại hình du lịch theo hướng bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, khai thác đường bờ biển dài và đẹp, đồng thời duy trì, phát huy các giá trị văn hóa gắn với đảo Lý Sơn.
“Đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, các nhà đầu tư sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất, ổn định nhất theo quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam và của Quảng Ngãi, đảm bảo những quyền lợi và cơ hội đầu tư kinh doanh thật sự hấp dẫn cho nhà đầu tư".
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh
HÀ HOÀNG VIỆT PHƯƠNG
|
Để thực hiện mục tiêu nói trên, Quảng Ngãi đã sắp xếp lại không gian phát triển mới của các khu chức năng trong KKT Dung Quất. Trong đó, bổ sung vào Quy hoạch chung KKT Dung Quất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trung tâm điện khí (khoảng 103ha), thuộc địa bàn xã Bình Thạnh (Bình Sơn). Đồng thời, bố trí trên 8.000ha đất cho các KCN, cụm công nghiệp, KCN - đô thị - dịch vụ. Cảng, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics có diện tích khoảng 608ha, trong đó: Khu bến Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ, Lý Sơn khoảng 300ha; sân bay Lý Sơn khoảng 153ha và trung tâm dịch vụ hậu cần cảng, logistics khoảng 155ha...
Theo một số chuyên gia kinh tế, để xây dựng KKT Dung Quất trở thành trung tâm công nghiệp và năng lượng quốc gia, trước tiên là trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Quảng Ngãi cần tập trung hỗ trợ đối với các dự án do trung ương đầu tư trên địa bàn như: Trung tâm Điện lực Dung Quất; dự án Mở rộng, nâng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; đồng thời nâng cấp các tuyến Quốc lộ 1, 24C, 24B, cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi và nút giao Bình Long. Ngoài ra, tập trung nâng cao giá trị các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp lọc hóa dầu, luyện cán thép, đóng tàu biển.
Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; công nghiệp hỗ trợ; chế biến, chế tạo; năng lượng tái tạo; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động...
PHẠM DANH