(Báo Quảng Ngãi)- Chi phí xăng dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022, lao động đi biển khan hiếm, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở chế biến thủy hải sản.
[links()]
Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu
Khác với không khí nhộn nhịp, tất bật thu mua cá như mọi năm, hiện nay nhiều cơ sở tại làng nghề chế biến nước mắm xã Đức Lợi (Mộ Đức) rơi vào cảnh “cửa đóng then cài” vì không có nguyên liệu. Chị Nguyễn Thị Lệ Phương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Phương Loan, ở thôn Kỳ Tân (Đức Lợi) cho biết, thời điểm này là mùa khai thác hải sản chính của năm, nhưng rất ít tàu vươn khơi nên cơ sở sản xuất thiếu nguồn nguyên liệu. Chúng tôi chỉ thu mua được 50% cá cơm so với nhu cầu nên chắc chắn sản lượng nước mắm sẽ giảm nhiều so với những năm trước. Chi phí thu mua nguyên liệu và nhân công tăng, trong khi giá bán sản phẩm không tăng nhiều. Điều này khiến nhiều cơ sở tại làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi, cũng như nhiều cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng để giữ bạn hàng.
Nguyên liệu thiếu hụt ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp chế biến thủy sản. |
Trong khi đó, các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ hậu cần nghề cá cũng chật vật vì hoạt động ế ẩm. Nhiều cơ sở cung ứng xăng dầu, sản xuất đá lạnh tại các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) rơi vào cảnh đìu hiu, vì tàu thuyền nằm bờ suốt thời gian dài.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, ngoài giá nhiên liệu tăng cao thì việc ngư dân ngại vươn khơi là do lao động đi biển bị thiếu hụt trầm trọng; nguồn lợi thủy sản hiện nay đang suy giảm nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu phục hồi dẫn đến sản lượng khai thác thấp, thu không đủ chi. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh đạt trên 145,1 nghìn tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Hỗ trợ ngư dân ra khơi
Để hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản, UBND tỉnh đã ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ tàu cá vươn khơi xa. Trong đó, kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 khoảng 450 tỷ đồng. Những tàu cá không được thụ hưởng theo Quyết định 48, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách an sinh, chủ yếu là hỗ trợ thêm chi phí xăng dầu; khoanh nợ, giãn nợ vay giúp ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi. Ông Hồ Trọng Phương cho biết, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ban hành các chính sách, quy định cụ thể về thời gian, ngư trường khai thác hải sản, nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản cũng như đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến.
Kiến nghị sử dụng ngân sách bù giá xăng dầu cho ngư dân
Giá xăng dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đã ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp, ngư dân đánh bắt thủy hải sản buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước để bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022, giúp ngư dân khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay.
|
Bài, ảnh:
MỸ HOA