Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản

10:07, 26/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2021 đến nay, để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh và ngành chức năng đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp. Qua đó, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đi vào nền nếp, nhất là đối với cát xây dựng. 
 
[links()]
 
Đấu giá cấp quyền khai thác
 
Năm 2022, Sở TN&MT đề ra kế hoạch đưa vào đấu giá 10 mỏ cát, nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn, tăng thu cho ngân sách địa phương. Đến nay, Sở đã và đang đưa vào đấu giá 8 mỏ theo kế hoạch, với tổng diện tích khoảng 53ha.
 
Khai thác cát tại mỏ cát thương mại thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).   Ảnh: T.NHỊ
Khai thác cát tại mỏ cát thương mại thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: T.NHỊ
Cụ thể, tại huyện Nghĩa Hành có mỏ cát thôn Nhơn Lộc 1, xã Hành Tín Đông (diện tích 4,2ha); huyện Tư Nghĩa có các mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm (9,6ha), thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng (7,72ha) và thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận (10ha); huyện Sơn Tịnh có các mỏ cát Minh Thành, xã Tịnh Minh (6,9ha), Ngân Giang (6,14ha), mỏ cát thôn Trường Xuân và Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (6,8ha); huyện Trà Bồng có điểm bồi tụ cát thôn Bình Trung, xã Trà Bình (1,58ha). 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế đã thu hơn 52 tỷ đồng thuế tài nguyên (đối với hoạt động khai thác khoáng sản đất, đá, cát, sỏi), tăng 28 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hơn 7,3 tỷ đồng, tăng 1,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trước khi đưa ra đấu giá, Sở TN&MT đã thông báo công khai danh mục khu vực có khoáng sản; thông tin cơ bản về điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản; xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước cho khu vực mỏ. Đồng thời, lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Nhìn chung, giá trúng đấu giá cao hơn nhiều lần giá khởi điểm (từ 4 - 18 lần). 
 
Theo Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung, mục đích của việc đưa 8 mỏ cát trên ra đấu giá là nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và đúng quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. 
 
Hiện nay, việc mua bán cát diễn ra trực tiếp tại nơi khai thác cát.  Trong ảnh: Xe vận tải vào mỏ cát thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) mua cát.        Ảnh: T.NHỊ
Hiện nay, việc mua bán cát diễn ra trực tiếp tại nơi khai thác cát. Trong ảnh: Xe vận tải vào mỏ cát thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) mua cát. Ảnh: T.NHỊ
 
Tăng cường quản lý
 
“Hầu hết các mỏ cát thương mại đều lợi dụng sự sơ hở trong quản lý của ngành chức năng và địa phương để khai thác vượt trữ lượng cho phép. Sắp tới đây, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý việc đấu giá, cấp quyền khai thác cát xây dựng. Khi cấp mỏ, sẽ xác định luôn bãi tập kết cát, quản lý chặt chẽ hóa đơn chứng từ quá trình kinh doanh, không để tùy tiện, dẫn đến cát lậu diễn ra như lâu nay".
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN PHƯỚC HIỀN

Song song với đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các cơ quan chức năng của tỉnh đang nỗ lực tuần tra, kiểm soát nạn khai thác cát, đá, đất trái phép. Những trường hợp chủ mỏ khai thác khoáng sản khi đã hết hạn, nhưng cố tình không hoàn thổ, đóng mỏ theo quy định, đã bị xử phạt với mức phạt khá cao. Đơn cử như Công ty CP Xây dựng đô thị và KCN Quảng Ngãi đã hết thời hạn khai thác mỏ đất Núi Chùa, thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), nhưng không lập đề án đóng mỏ theo quy định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã ký Quyết định số 29/QĐ-XPHC ngày 24/5/2022, xử phạt công ty này 120 triệu đồng.

 
Thời gian qua, một số mỏ đất trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp (DN) để phục vụ thi công các công trình, dự án. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, DN đã bán một lượng đất cho khách hàng có nhu cầu san lấp mặt bằng, nhưng không khai thuế, nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh này. Bên cạnh đó, nhiều mỏ cát xây dựng dù đã được cơ quan có thẩm quyền đo đếm, xác định trữ lượng trước khi được cấp phép, song trên thực tế, các DN được cấp phép đều khai thác vượt khối lượng, dẫn đến thất thu ngân sách trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản rất lớn.
 
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Võ Hùng, ngành thuế thực hiện quản lý thuế đối với DN dựa trên giấy phép của Bộ TN&MT và của tỉnh đã cấp cho DN. Còn DN tự kê khai, nộp thuế và tự chịu trách nhiệm. Lợi dụng điều này, hầu hết các DN đều khai thấp hơn, hoặc bằng mức tính thuế. Tuy nhiên, trong thực tế, sản lượng khai thác của các DN lại cao hơn rất nhiều.
 
Để công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực này được tốt hơn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 45 ngày 16/3/2022 về tăng cường quản lý thu, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị, chính quyền địa phương tăng cường công tác phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án chống thất thu đối với lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Yêu cầu 100% các mỏ phải mở sổ theo dõi, thống kê khối lượng khai thác khoáng sản hằng ngày theo quy định của Luật Khoáng sản. Đặc biệt, năm 2022 sẽ thí điểm lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại một số mỏ khai thác cát. Từ năm 2023, sẽ thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát camera tại tất cả các mỏ khai thác khoáng sản.
 
Khai thác cát trên sông Trà Khúc tại mỏ cát xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).  Ảnh: T.NHỊ
Khai thác cát trên sông Trà Khúc tại mỏ cát xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Ảnh: T.NHỊ
Về phía các chi cục thuế địa phương, trong quá trình quản lý thuế trên địa bàn, nếu phát hiện trường hợp kinh doanh “chui” nhằm trốn thuế, thì kịp thời tham mưu, đề xuất biện pháp quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản cho UBND các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, kịp thời phát hiện những sai phạm trong khai thác đất, cát, sỏi lòng sông và không chấp hành nghĩa vụ thuế, phí theo quy định, để xử lý theo thẩm quyền và chỉ đạo của UBND tỉnh. “Theo kế hoạch, năm 2022, Cục Thuế tỉnh sẽ tiến hành thanh, kiểm tra 13 DN khai thác tài nguyên khoáng sản. Hiện tại, Kiểm toán Nhà nước khu vực III đã kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế tại 7 DN. Vì vậy, đối với 6 DN còn lại, ngành thuế sẽ thanh, kiểm tra trong quý III/2022”, ông Hùng thông tin.
 
Giai đoạn 2018 - 2020, xảy ra nhiều sai sót
 
Thanh tra tỉnh đã có Kết luận thanh tra số 05/KL-TTT về việc chấp hành quy định pháp luật về cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Sở TN&MT; việc chấp hành pháp luật trong khai thác khoáng sản và nghĩa vụ tài chính tại 5 doanh nghiệp. Theo đó, từ năm 2018 đến tháng 4/2020, Sở TN&MT đã tiếp nhận, thẩm định và trình UBND tỉnh cấp 40 giấy phép khai thác khoáng sản. Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sai sót về trình tự thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thủ tục đóng cửa mỏ, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, việc khoanh định khu vực không đấu giá các mỏ cát và cấp phép khai thác không qua đấu giá...
 
T.NHỊ - H.HOA
 
 

.