(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Mộ Đức là một trong những địa phương có sản phẩm đạt chuẩn Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) cấp tỉnh đầu tiên. Đến nay, toàn huyện có 19 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao.
[links()]
Thực hiện sớm, nỗ lực cao
Để đạt chuẩn OCOP, bên cạnh yếu tố chất lượng sản phẩm, việc xác lập và hoàn thiện hồ sơ đăng ký chương trình OCOP là điều rất quan trọng. Đây là khâu khó, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức. Mặc dù vậy, những chủ thể ở huyện Mộ Đức có sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều tự thực hiện hồ sơ này, với sự hỗ trợ của các phòng, ban của huyện, mà không cần thông qua đơn vị tư vấn.
Khách hàng tìm hiểu về các sản phẩm OCOP tại Cửa hàng Nông sản thanh niên huyện Mộ Đức. |
"Chương trình nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị; nhiều chủ thể đăng ký tham gia. Khi mới triển khai, các chủ thể còn lúng túng trong quá trình xác lập và hoàn thiện hồ sơ, nhưng với tinh thần nỗ lực vượt khó, ngay trong đợt đầu công bố OCOP cấp tỉnh, huyện đã có những sản phẩm đạt chuẩn", ông Tưởng nhấn mạnh.
Là địa phương có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP huyện Mộ Đức mang đậm bản sắc quê hương, như nước mắm, gạo, bánh tráng, mạch nha, bánh mè, nấm... Đây là những sản phẩm truyền thống của người dân đã có thị trường tiêu thụ, nhưng vẫn chưa tạo được “dấu ấn” riêng. Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm được hỗ trợ hoàn thiện thủ tục, nhãn hiệu, bao bì... bắt mắt, phù hợp hơn, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Ngoài những kênh tiêu thụ truyền thống, một số chủ thể linh hoạt bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song các sản phẩm OCOP luôn tăng sản lượng từ 20 - 50%, nhất là trong dịp tết Nguyên đán. Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính quyền huyện, khuyến khích đội ngũ cán bộ, người lao động sử dụng các sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc trưng của huyện, thì một số chủ thể, cửa hàng còn xây dựng thành các gói quà tặng phục vụ cho khách du lịch, các sự kiện, hội nghị... Từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển, mở rộng thị trường.
Chương trình OCOP được xem là một trong những nội dung quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân. Do đó, huyện Mộ Đức xem thực hiện OCOP là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, lâu dài. Năm 2022, huyện phấn đấu có từ 7 - 10 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, 1 - 2 sản phẩm nâng hạng sao. “Bên cạnh các sản phẩm đã có, chúng tôi chú trọng phát triển các sản phẩm tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng, nhất là phát triển sản phẩm qua chế biến. Trong đó, chúng tôi đang định hướng đến sản phẩm tương ớt, dầu đậu phụng... đây là sản phẩm đã qua chế biến giúp bảo quản, vận chuyển thuận lợi hơn”, ông Tưởng cho biết.
Dấu ấn doanh nghiệp
Với chủ trương phát triển các sản phẩm từ lúa sạch, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT đã cho ra đời những sản phẩm đạt chuẩn OCOP như gạo sạch, gạo lứt, trà gạo lứt Ấn Trà. Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Võ Thị Hồng Vân cho hay, trước đây đơn vị chỉ chú tâm vào làm sản phẩm, sau khi tiếp cận chương trình OCOP đã giúp chúng tôi hoàn thiện hơn về mẫu mã, bao bì, nhãn mác... góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
|
Bài, ảnh:
BẢO HÒA