Nợ đọng xây dựng cơ bản: Cần xử lý triệt để

05:05, 28/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhiều công trình xây dựng cơ bản (XDCB) đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng chưa có vốn bố trí trả nợ khối lượng đã thực hiện, dẫn đến phát sinh nợ đọng. Để hạn chế tình trạng này, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xử lý triệt để, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công trên địa bàn.
 
[links()]
 
Nợ đọng hàng trăm tỷ đồng
 
Số nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh hiện vào khoảng 337 tỷ đồng; trong đó, nợ thuộc ngân sách tỉnh gần 48 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã hơn 289 tỷ đồng. Các chủ đầu tư để xảy ra nợ đọng XDCB gồm: Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, UBND TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi, các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Hà, Minh Long và Trà Bồng.
 
Đường Võ Thị Sáu (TX.Đức Phổ) hoàn thành, đưa vào sử dụng đã lâu, nhưng hiện vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 1,6 tỷ đồng.
Đường Võ Thị Sáu (TX.Đức Phổ) hoàn thành, đưa vào sử dụng đã lâu, nhưng hiện vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 1,6 tỷ đồng.
Địa phương có số nợ đọng XDCB cao nhất tỉnh là UBND TX.Đức Phổ, với hơn 90 tỷ đồng (ngân sách tỉnh phải bố trí trả hơn 15 tỷ đồng, còn lại là ngân sách thị xã hơn 75 tỷ đồng) của gần 100 công trình. Tiếp sau là UBND huyện Bình Sơn, với tổng số nợ gần 75 tỷ đồng của khoảng 100 công trình XDCB; trong đó, nợ thuộc ngân sách tỉnh phải bố trí trả là 18,6 tỷ đồng, còn lại 56,4 tỷ đồng thuộc  ngân sách huyện và xã. Huyện Nghĩa Hành có số nợ cao thứ ba, với hơn 53 tỷ đồng, nhưng phần ngân sách huyện phải bố trí trả lên đến 44 tỷ đồng, ngân sách tỉnh nợ khoảng 9 tỷ đồng. Riêng huyện Mộ Đức, số nợ đọng là 34 tỷ đồng, thuộc ngân sách huyện phải trả...
 
Trả hết nợ vào năm 2025
 
“Các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch đã giao; không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản".
Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG VĂN MINH

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, nhiều địa phương đã xây dựng lộ trình kế hoạch trả nợ. Trong đó, TX.Đức Phổ đề ra lộ trình trả nợ trong vòng 2 năm đối với phần nợ 75 tỷ đồng thuộc ngân sách thị xã (năm 2022 trả 42 tỷ đồng, năm 2023 trả 33 tỷ đồng). Huyện Nghĩa Hành đặt mục tiêu trả nợ gần 44 tỷ đồng thuộc ngân sách cấp huyện trong vòng 4 năm (năm 2022 trả 16,45 tỷ đồng, năm 2023 trả 11 tỷ đồng, năm 2024 trả 11,2 tỷ đồng và năm 2025 trả hơn 5 tỷ đồng). Còn huyện Mộ Đức trả 34 tỷ đồng nợ đọng trong 2 năm (năm 2022 trả khoảng 10 tỷ đồng và năm 2023 trả 24 tỷ đồng). Huyện Tư Nghĩa cũng phấn đấu trả nợ trong 2 năm (năm 2022 trả 14 tỷ đồng và 2023 trả 13 tỷ đồng). Trong khi đó, huyện Minh Long sẽ trả nợ 15 tỷ đồng trong 4 năm (từ năm 2022 - 2025).

 
Hiện nay, Sở NN&PTNT, các huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Sơn Tịnh chưa đề ra lộ trình trả nợ, hoặc có nhưng vẫn chưa thực hiện quyết liệt. Mới đây, tỉnh đã có văn bản nhắc các đơn vị này phải khẩn trương thực hiện xử lý nợ đọng XDCB.
 
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Bình Sơn Nguyễn Tân cho biết, 11 khu dân cư do Ban Quản lý làm đại diện chủ đầu tư để phát sinh nợ đọng hơn 11 tỷ, nhưng thực chất phần huyện chỉ nợ hơn 2 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. "Năm 2017, UBND tỉnh chỉ đạo huyện nghiên cứu sửa chữa các khu dân cư, theo đó tỉnh sẽ bố trí 80% vốn, còn huyện bố trí 20%. Dù vậy, đến nay tỉnh chưa bố trí đủ tỷ lệ cơ cấu vốn này, huyện đã kiến nghị, nhưng chưa được giải quyết", ông Tân nói.
 
Tuy nhiên, theo Sở KH&ĐT, huyện Bình Sơn phải đề ra lộ trình trả toàn bộ số nợ này, vì cho rằng thuộc ngân sách cấp huyện. Ngoài ra, một số địa phương lý giải, nợ đọng XDCB do cấp xã thực hiện các công trình để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nên cấp xã phải xử lý các khoản nợ đọng. Sở KH&ĐT cho biết, đối với nợ đọng thuộc ngân sách cấp xã không trả được, thì huyện phải cân đối ngân sách cấp mình để xây dựng lộ trình, kế hoạch trả nợ.
 
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã yêu cầu các đơn vị còn nợ đọng XDCB phải xác định việc xử lý nợ đọng là một trong những nội dung quan trọng, cần thực hiện quyết liệt. Các địa phương phải xử lý dứt điểm nợ đọng theo lộ trình, kế hoạch cụ thể, đến cuối năm 2025 không còn số nợ đọng này. 
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 

.