Nghề lưới vây rút chì mang lại hiệu quả

02:05, 03/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, ngư dân trên địa bàn tỉnh vào chính vụ cá lưới vây rút chì (còn gọi là lưới rút hay lưới vây). Nghề lưới rút là một trong những nghề cho thu nhập khá của ngư dân trên địa bàn tỉnh. 
 
[links()]
 
Hiện nay, nghề lưới vây rút chì có ở một số địa phương như huyện đảo Lý Sơn, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi)... và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lưới vây rút chì chuyên khai thác thủy hải sản ở tầng nổi và tầng giữa mặt nước biển bằng phương pháp lưới vây ngày hoặc lưới vây ánh sáng (đánh bắt ban đêm).
 
Mẻ cá nục được đánh bắt bằng hình thức lưới vây rút chì của ngư dân xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).
Mẻ cá nục được đánh bắt bằng hình thức lưới vây rút chì của ngư dân xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).
Do đánh bắt các loại thủy hải sản ở tầng nổi và tầng giữa của biển, không gây hủy diệt môi trường, nên nghề lưới vây rút chì là hình thức đánh bắt thủy hải sản đang được khuyến khích. Nghề này cũng đòi hỏi kỹ thuật cao nên các tàu lưới vây đều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, như vừa đánh bắt kết hợp ánh sáng theo kiểu truyền thống, vừa sử dụng máy dò cá để tăng khả năng phát hiện đàn trước khi thả lưới có thể dự đoán trước được sản lượng, mẻ lưới.
 
Xã Tịnh Kỳ hiện có 412 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 25 tàu của 11 hộ đánh bắt theo hình thức lưới vây rút chì. Từ nghề đánh bắt này, nhiều tàu đánh bắt xa bờ của xã Tịnh Kỳ đã thu về hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển. Ngư dân Trần Văn Mai, ở xã Tịnh Kỳ cho biết, đội tàu lưới vây rút chì của tôi hiện đang đánh bắt tại ngư trường Trường Sa. Đội  gồm 5 tàu, trong đó có 4 chiếc công suất trên 400CV và 1 chiếc trên 300CV. Từ đầu vụ đến nay, các tàu đã đánh bắt gần 300 tấn cá, thu về 700 - 800 triệu đồng. Tàu tôi dùng lưới vây ánh sáng đánh cá nục và một số loại như cá chang, cá hố... và chủ yếu đi đánh bắt ở biển xa.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2021, đội tàu của gia đình ông Mai đánh bắt hơn 1.000 tấn cá các loại, mang lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Mỗi lao động trên đội tàu thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng/năm.
 
Huyện Lý Sơn hiện có khoảng 50 tàu làm nghề lưới vây rút chì, mỗi tàu công suất từ 700 - 800CV. "Nghề lưới vây rút chì mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập cho mỗi lao động từ 50 - 60 triệu đồng/phiên biển", Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành thông tin.
 
Không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với các nghề cá khác, mà đội tàu lưới vây còn có nhiều ưu thế, đó là tàu to, máy lớn, công suất từ 200CV trở lên, được trang bị hiện đại, thường xuyên bám vùng khơi, nhất là vùng đánh cá chung, vùng giáp ranh với các nước khác nên ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm chủ ngư trường khai thác luôn được ngư dân nêu cao. Nguồn hải sản đánh bắt từ nghề này cũng rất đa dạng, mang lại thu nhập cao cho nhiều chủ tàu và bạn biển.
 
Tuy nhiên, ở một số nơi, nghề lưới vây rút chì lại đang gặp nhiều khó khăn. Trước đây, nghề lưới vây rút chì tại xã Bình Đông (Bình Sơn) là nghề truyền thống, phần lớn số lượng tàu của xã làm nghề lưới vây, nhưng hiện nay số lượng tàu thuyền làm nghề này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Lý giải điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Văn Cảm cho biết, những năm gần đây, lượng hải sản tầng nổi ở các ngư trường gần bờ dần cạn kiệt. Muốn tiếp tục theo nghề lưới vây, thì chủ tàu cần cải hoán nâng công suất máy và đầu tư các thiết bị như máy dò cá, tời kéo... với chi phí khá cao, chưa kể ngư dân còn phải nắm được nhiều kỹ thuật để có thể đánh bắt ở những vùng biển xa. Tuy nhiên, hầu hết các tàu trong xã đều có kích thước và công suất nhỏ, ngư dân lại không có đủ năng lực về vốn nên hiện nay nhiều tàu đã chuyển sang các nghề rỗi, hoặc bán tàu chuyển sang làm nghề khác...
 
Bài, ảnh: PV
 
 

.