Để mực xà được tiêu thụ ổn định

04:05, 02/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ giữa tháng 4 đến nay, xã biển Bình Chánh (Bình Sơn) sôi động hẳn lên, khi các tàu câu mực của ngư dân địa phương bắt đầu trở về để bán mực. Hiện giá bán mực xà cao nhưng người dân vẫn lo lắng, vì đầu ra chưa ổn định.
 
[links()]
 
Niềm vui được giá
 
Sau 3 tháng vươn khơi, tàu câu mực của ngư dân Nguyễn Tỵ, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh trở về với gần 20 tấn mực xà. Khi hay tin thương lái thu mua mực xà tại tàu với giá bình quân 175 nghìn đồng/kg, ông Tỵ và anh em bạn biển rất phấn khởi. Ông Tỵ cho biết, với giá này thì sau khi trừ chi phí, chủ tàu và các lao động có thu nhập khá, giúp chúng tôi bớt khó khăn và có thêm động lực để tiếp tục vươn khơi, bám biển.
 
Người dân xã Bình Chánh (Bình Sơn) phân loại, làm sạch mực để đóng gói, xuất bán.  Ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
Người dân xã Bình Chánh (Bình Sơn) phân loại, làm sạch mực để đóng gói, xuất bán. Ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
Không chỉ tàu của ông Tỵ, thời điểm này tàu câu mực của ngư dân xã Bình Chánh lần lượt cập cảng để bán sản phẩm sau chuyến biển kéo dài 2,5 - 3 tháng, với sản lượng bình quân 15 - 17 tấn mực/tàu, một số tàu may mắn khai thác được 20 - 25 tấn. So với năm 2021, sản lượng giảm 2 - 3 tấn/tàu, chi phí nhiên liệu tăng cao, nhưng với giá bán mực xà tăng 45 - 50 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chủ tàu và lao động đi biển vẫn có lãi.
 
Hiện tại, số lượng tàu câu mực cập cảng chưa nhiều, cộng với sản lượng giảm trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh nên các cơ sở thu mua, chế biến mực xà tại xã Bình Chánh rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu. Để đảm bảo đơn hàng, các chủ cơ sở phải ra cảng An Hòa, xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) để thu mua sản phẩm. Chủ cơ sở sản xuất thủy sản khô Nguyễn Thị Thủy, ở thôn Đông Bình, xã Bình Chánh cho biết, hiện cơ sở đã thu mua và xuất khẩu hơn 200 tấn mực xà trong khi đơn hàng còn nợ khá nhiều. Vì vậy, cơ sở phải tổ chức thu mua tại các cảng ngoài tỉnh, dẫn đến chi phí tăng cao...  
 
Liên kết trong khâu tiêu thụ
 
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Phạm Thế Uyên, toàn xã có khoảng 70 tàu cá hành nghề khai thác mực xà khơi xa, sản lượng khoảng 4.500- 5.000 tấn mỗi năm, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, mực xà có giá trị kinh tế không cao, thị trường tiêu thụ lại phụ thuộc vào Trung Quốc nên thường xuyên rơi vào cảnh "được mùa mất giá". Có thời điểm giá mực xà giảm còn 50 - 60 nghìn đồng/kg, khiến ngư dân lẫn cơ sở chế biến mực xà tại xã Bình Chánh rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần.
 
"Nguyên nhân xảy ra tình trạng "được mùa mất giá" mực xà là do mặt hàng này được xuất qua bằng đường tiểu ngạch, chưa có ràng buộc quy định của ngành chức năng của Việt Nam và Trung Quốc, mà do các cơ sở thu mua tự điều tiết. Trong khi đó, từ cuối năm 2019, phía Trung Quốc yêu cầu các cơ sở thu mua mực phải nhập khẩu qua đường chính ngạch và có xuất xứ, nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa rõ ràng. Mà điều này thì tư thương, cơ sở chế biến mực xà trên địa bàn xã Bình Chánh chưa thực hiện được. Do đó, đến thời điểm này, hầu hết lượng mực xà xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn được thương lái thực hiện theo đường tiểu ngạch", ông Uyên nói.
 
Trước tình trạng này, cùng với việc tổ chức liên kết, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ cho ngư dân tìm đầu ra ổn định, Sở NN&PTNT kiến nghị chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, động viên cơ sở thu mua và chế biến mực xà đăng ký mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. “Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho địa phương, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác trong thời gian tới, mà còn nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Sở NN&PTNT luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu mực xà nói riêng, nông sản nói chung thực hiện các thủ tục đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói theo quy định”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.
 
 MỸ HOA
 
 
 

.