(Báo Quảng Ngãi)- Trong bối cảnh cùng với cả nước chịu ảnh hưởng bởi những biến động của nền kinh tế thế giới, Quảng Ngãi đã đề ra nhiệm vụ kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, kiềm chế lạm phát.
[links()]
Cân đối thu – chi
Bốn tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả khả quan. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 4 tháng đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, tăng 58,3% so với cùng kỳ và đạt 49,5% dự toán năm. Tổng chi ngân sách được kiểm soát tốt, với số chi đạt xấp xỉ kế hoạch và hiện đang thấp hơn tổng thu. Theo đánh giá của UBND tỉnh, thì thu - chi ngân sách ổn định, song chưa đạt như kỳ vọng, nhất là khoản thu từ sử dụng đất. Khoản thu này liên tục hụt thu trong 2 năm (năm 2019 hụt thu 1.200 tỷ đồng; năm 2021 hụt thu 1.483 tỷ đồng so với dự toán). Trong 4 tháng đầu năm 2022, khoản thu từ sử dụng đất tiếp tục giảm khoảng 100 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.
Dự án tái định cư Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) là dự án quan trọng, được tỉnh thống nhất tạm ứng ngân sách năm 2023 để bố trí vốn đầu tư. |
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ xem xét cắt giảm khoản chi thường xuyên của các cơ quan nhà nước, nếu những khoản chi này không hiệu quả và chưa thực sự cần thiết. Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện cho rằng, khi Nhà nước thực hiện chính sách đẩy mạnh đầu tư, kích thích tiêu dùng sẽ làm tăng mức bội chi ngân sách. Ngược lại, thực hiện chính sách giảm đầu tư và tiêu dùng, thì mức bội chi ngân sách sẽ giảm bớt. Vì thế, để tránh sa vào tình trạng bội chi phải kịp thời cắt giảm một số khoản chi, đầu tiên là chi đầu tư công khi nguồn thu chưa đạt.
“Tăng cường các biện pháp thu, chi và quản lý ngân sách nhà nước, đặc biệt là đẩy mạnh khoản thu từ đất, phấn đấu hoàn thành vượt mức thu ngân sách đã đề ra... Tổ chức điều hành ngân sách nhà nước theo phương châm chủ động, chặt chẽ, đúng quy định. Triệt để tiết kiệm các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách".
Chủ tịch UBND tỉnh
ĐẶNG VĂN MINH
|
Kiểm soát lạm phát
Bên cạnh xử lý kịp thời tình trạng bội chi, một kịch bản khác trong điều hành ngân sách, tài chính ngay trong tháng 5 và những tháng còn lại của năm 2022 là tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bình ổn giá, kiềm chế lạm phát. Hiện tại, một số hàng hóa, dịch vụ tăng giá, trong đó có những loại tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh như xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng. Đời sống người lao động bị tác động trực tiếp bởi sự tăng giá lương thực, thực phẩm.
Giá cả hàng hóa trên thị trường đang ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi. |
Về vấn đề kiểm soát lạm phát, Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân cho rằng, cần nâng cao chất lượng về dự báo tình hình thị trường, không để xảy ra tình trạng người tiêu dùng chạy theo tin đồn, từ đó không chuyển tiền sang đầu tư sản xuất, kinh doanh mà đi mua vàng, đá quý. Hiện tại, dấu hiệu lạm phát đã xuất hiện, phải đánh giá đúng tác động của nó, để xử lý bội chi một cách quyết liệt, thông qua cắt giảm việc chi đầu tư công phù hợp.
Bài, ảnh:
THANH NHỊ