(Baoquangngai.vn)- Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 diễn ra sáng 22/4 tại Hà Nội, lãnh đạo Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã trao đổi thông tin hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty tới các cổ đông. Theo đó, với Crack margin lọc dầu cao, công suất vận hành nhà máy tối đa, năm 2022, BSR kỳ vọng tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận.
Crack margin cao, lợi nhuận vượt kỳ vọng
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 22/4, trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch lợi nhuận năm 2022, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc BSR cho biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 được xây dựng vào cuối năm 2021 và được cổ đông lớn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua. Tại thời điểm đó, mức giá dầu thô 60 USD/thùng là một trong những thông tin căn bản để xây dựng kế hoạch. Đến đầu 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, giá dầu lên cao so với trước. Tuy nhiên, giá dầu thô trên thị trường vẫn rất khó dự đoán. Vì vậy, trước mắt BSR sẽ giữ nguyên kế hoạch sản xuất kinh doanh và xem xét điều chỉnh ở giai đoạn sau (khi chiến tranh Nga - Ukraine kết thúc).
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của BSR diễn ra vào sáng ngày 22/4. |
“Chúng tôi dự báo, giá dầu trong quý 2 và quý 3 vẫn còn ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine và còn neo ở mức cao. Rủi ro giá dầu giảm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nhà máy lọc dầu, gây gián đoạn nguồn cung, gia tăng các chi phí vận tải, logistic…”, ông Bùi Ngọc Dương cho biết.
Năm 2022, Công ty lên kế hoạch tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ gần 6,5 triệu tấn sản phẩm. Dựa trên giá dầu 60 USD/thùng, tổng doanh thu dự kiến 91.678 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.295 tỷ đồng.
Ước tính trong quý 1/2022, BSR đã sản xuất hơn 1,6 triệu tấn, tiêu thụ 1,5 triệu tấn sản lượng. Tổng doanh thu ước đạt 35.471 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.029 tỷ đồng.
Đảm bảo nguồn dầu thô cho vận hành
Liên quan đến hoạt động mua dầu thô và bán sản phẩm, Tổng Giám đốc BSR cho biết, kế hoạch ký hợp đồng mua các bản tin dự báo từ các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp; thường xuyên kết nối với các khách hàng lớn, đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhà sản xuất/cung cấp dầu thô,… để có đầy đủ, kịp thời thông tin về dự báo, cung cầu dầu thô, sản phẩm làm cơ sở phân tích, đánh giá và chủ động xây dựng phương án SXKD, tồn kho và bán sản phẩm phù hợp cho từng giai đoạn, từng điều kiện thị trường.
Theo thiết kế ban đầu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chế biến dầu thô Bạch Hổ và đến nay vẫn ưu tiên sử dụng nguồn dầu thô trong nước. Khi nguồn dầu thô trong nước suy giảm, BSR nghiên cứu, chế biến được 16 loại dầu thô khác nhau (gồm cả dầu thô nhập khẩu và trong nước). Trong bối cảnh nguồn dầu thô thế giới biến động do ảnh hưởng căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, để đảm bảo Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định, liên tục, 80% lượng dầu thô đầu vào được BSR ký hợp đồng cung cấp dài hạn 6 tháng. 20% lượng dầu thô còn lại ký hợp đồng theo chuyến nhằm dễ dàng tăng công suất nhà máy với giá dầu thô rẻ nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Khi nguồn cung dầu thô lớn trên thế giới như Châu Phi ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, BSR đề nghị được mua nguồn dầu thô tại các mỏ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chi phối hoặc có góp vốn để tối đa nguồn cung dầu thô trong nước.
Năm 2022, Ban lãnh đạo BSR nhận định còn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn như dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
BSR phải cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu từ các nước có ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Hiện nay, thuế nhập khẩu xăng ở mức 8% (so với 10% trong năm 2020 và các năm trước đó) làm cho lợi nhuận thu được từ xăng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR giảm. Chất lượng sản phẩm của Nhà máy tương đương với khoảng giữa Euro II và Euro III, vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể gặp khó khăn nếu sản phẩm xăng dầu lưu hành tại Việt Nam buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro IV/V.
Trong bối cảnh nhu cầu xăng dầu trong nước tăng cao, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang hoạt động trên công suất thiết kế, có thời điểm lên đến 108%, thậm chí 112% để đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.
Tương lai BSR tập trung phát triển hoá dầu
Với nhóm câu hỏi của cổ đông liên quan đến Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy, ông Bùi Ngọc Dương cho biết, dự kiến năm 2026 sẽ hoàn thành việc nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau khi nâng cấp mở rộng, BSR sẽ cung cấp sản phẩm đa dạng hơn, bao gồm cả hóa dầu và sau hóa dầu. BSR kỳ vọng, các sản phẩm hoá dầu là dư địa lớn để Công ty phát triển.
Đối với dự án nâng cấp mở rộng nhà máy, đến nay, dự án đã triển khai/hoàn thành những hạng mục chính như: Hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và nhận bàn giao 108,2 ha, hoàn thành công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; hoàn thành lập và phê duyệt thiết kế tổng thể FEED…
BSR đang báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn Euro 5 và tăng cường sản phẩm hóa dầu, đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng trong tương lai nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của BSR.
Hiện nay, Dự án nâng cấp mở rộng đang điều chỉnh quy mô đầu tư từ 1,8 tỷ USD xuống còn 1,2 tỷ USD. BSR điều chỉnh một số sản phẩm được đánh giá không có lợi nhuận cao trong tương lai, thay thế bằng các sản phẩm có lợi nhuận và nhu cầu cao của thị trường.
Đối với sự phát triển sản phẩm hóa dầu, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hội cho biết, ngành lọc dầu đang cạnh tranh rất khốc liệt, lợi nhuận biên của lọc dầu còn thấp. Thế giới đang có sự dịch chuyển về năng lượng. Với độ trễ của các nước Đông Nam Á như Việt Nam, ví dụ như ở Thái Lan người ta tiếp tục vận hành nhà máy và trong tương lai chuyển dần sang hóa dầu. Trong khi đó ở Mỹ, nhiều nhà máy đã chuyển sang hóa dầu, song vẫn có nhà máy duy trì lọc dầu, tùy theo yếu tố thị trường. Tầm nhìn 2035 đến 2040, BSR cho rằng thị trường Việt Nam vẫn còn sử dụng xăng dầu nên BSR định hướng giữ thị phần lọc dầu một mức độ và từng bước chuyển hướng phù hợp sang sản phẩm hóa dầu. Trong thời gian tới, Công ty tập trung đầu tư nâng cấp một số dự án, tiếp tục dùng tiền trích quỹ đầu tư phát triển cho Công ty.
Một mục tiêu khác đầu năm 2023 là phấn đấu đưa cổ phiếu BSR lên niêm yết sàn HOSE khi đủ điều kiện. Đại hội đã thông qua các tờ trình/báo cáo trình ĐHĐCĐ năm 2022; trong đó bầu ông Nguyễn Hoàng Nhật và bà Vũ Lan Phương làm thành viên Ban Kiểm soát BSR nhiệm kỳ 2022 - 2027.
PV