(Báo Quảng Ngãi)- Vụ mì 2021 - 2022, toàn tỉnh có gần 7.600ha trong tổng số 11,637 nghìn héc ta mì bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá. Các giống mì được trồng và nhiễm bệnh là KM94, KM140, KM419, KM7... Mì bị nhiễm bệnh chủ yếu ở giai đoạn phát triển thân, lá, tượng củ, nên gây thiệt hại nặng.
[links()]
Thiệt hại nặng
Sau 3 tháng xuống giống, ông Nguyễn Hiến, ở thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), phát hiện một số cây mì bị xoăn lá, thân còi cọc và khô quắt - dấu hiệu của bệnh vi rút khảm lá. Mì đang giai đoạn phát triển thân - lá mà nhiễm bệnh vi rút khảm lá, thì xem như vụ mì này, ông Hiến mất trắng.
Bệnh vi rút khảm lá mì bùng phát và gây hại trên nhiều diện tích, khiến người dân bị thiệt hại nặng. |
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung, bệnh vi rút khảm lá mì kéo dài là do chưa thể kiểm soát được nguồn hom giống. Bệnh có thời gian ủ bệnh lâu, việc tuyển chọn hom giống bằng phương pháp cảm quan dễ bị nhầm lẫn. Như niên vụ 2020 - 2021, hàng loạt diện tích mì là vùng nguyên liệu của Nhà máy Mì Sơn Hải (Sơn Hà) bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân là do Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi sử dụng hom giống đã ủ bệnh, nhưng chưa có triệu chứng, nên nhìn bằng mắt thường sẽ không phát hiện được bệnh. Khi xuống giống được 2 - 3 tháng, bệnh mới biểu hiện ra bên ngoài, gây thiệt hại nặng nề cho người dân lẫn doanh nghiệp.
Chuyển đổi cây trồng
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) hiện chỉ công nhận 2 giống mì là HN3, HN5 có khả năng kháng bệnh vi rút khảm lá. Vì đang trong giai đoạn khảo nghiệm, để tiếp tục đánh giá khả năng kháng bệnh vi rút khảm lá mì, cũng như một số chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển, năng suất, sản lượng... nên nguồn hom giống mì HN3, HN5 rất ít. Niên vụ 2021 - 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chỉ mua được 100 nghìn hom mì giống HN3, HN5 để trồng thử nghiệm tại các huyện Sơn Hà và Nghĩa Hành. Đến tháng 8/2022, ngành nông nghiệp sẽ thu hoạch và đánh giá sơ bộ về chất lượng của giống mì HN3, HN5, làm cơ sở để mở rộng quy mô trồng, nhằm tăng nguồn hom giống mì phục vụ nhu cầu của người dân.
Trong khi chờ đợi ngành chuyên môn tuyển chọn giống mì có khả năng kháng bệnh vi rút khảm lá, chính quyền các địa phương cũng đã nỗ lực vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng mì sang cây trồng cạn hằng năm. Tuy nhiên, giải pháp này chưa được người dân tích cực hưởng ứng, nên số diện tích mì được chuyển đổi sang cây trồng khác không đáng kể. Thực tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là bài toán khó đối với ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho rằng, giảm diện tích mì, tăng diện tích hoa màu và trồng các loại cây ăn quả khác sẽ giúp cắt đứt nguồn bệnh khảm lá mì và đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, giúp nông dân thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, với 5.600ha mì trên địa bàn huyện, thì việc lựa chọn đối tượng cây trồng thay thế là vấn đề rất khó. Ngoài những khu vực ven đồi, ven sông có thể chuyển sang trồng hoa màu, thì hầu hết vùng trồng mì không đảm bảo nước tưới, nên việc chuyển đổi cây trồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu chính quyền các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân tích cực tham gia chuyển đổi từ mì sang trồng các loại cây trồng hiệu quả hơn. Riêng Sở NN&PTNT cần khẩn trương tính toán cơ cấu mùa vụ, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với từng địa phương, làm cơ sở cho việc chuyển đổi. Việc chuyển đổi từ mì sang các loại cây trồng khác phải theo hướng đa dạng, gắn với thị trường tiêu thụ, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ùn ứ, tồn đọng sản phẩm.
Bài, ảnh:
MỸ HOA