(Báo Quảng Ngãi)- Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
[links()]
Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình được xem là “phao cứu sinh” giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Qua đó, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tập trung giải ngân các nguồn vốn ưu đãi. |
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ. Một nhiệm vụ quan trọng khác được Ngân hàng CSXH tỉnh khẩn trương thực hiện là kịp thời hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022 - 2023) đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm.
Năm 2022, nhu cầu vốn theo Nghị quyết số 11 của Quảng Ngãi là 586 tỷ đồng và năm 2023 là 270 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào chương trình cho vay giải quyết việc làm và cho vay nhà ở xã hội. Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết, trung ương vừa giao nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11 đối với Quảng Ngãi là 53 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương ủy thác 53 tỷ đồng. Đơn vị đang khẩn trương phân bổ nguồn vốn này xuống các phòng giao dịch ngân hàng CSXH tại các huyện, thị xã, thành phố để triển khai cho vay. Ngoài ra, phòng giao dịch ở các địa phương sẽ tăng cường huy động nguồn vốn, cũng như thu hồi các khoản nợ đến hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, tạo công ăn việc làm, khôi phục lại những mô hình kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Hiện còn nhiều chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 vẫn chưa được phân bổ vốn. Vì vậy, Ngân hàng CSXH tỉnh yêu cầu các phòng nghiệp vụ, phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với ngân hàng CSXH trong việc rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách.
Từ đó, có cơ sở tổng hợp, xây dựng kế hoạch vốn, triển khai giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng khi có vốn. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, hội đoàn thể, chính quyền địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình tín dụng được giao thực hiện theo Nghị quyết 11 để các đối tượng thụ hưởng nắm bắt kịp thời; phân bổ nguồn vốn đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của từng địa phương. Trong đó, ưu tiên cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh để phục hồi sản xuất.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA