Giữ nhịp phát triển, nỗ lực thu hút đầu tư

11:03, 01/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết thúc năm 2021, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh (Ban Quản lý) đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nổi bật là đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 85,7 nghìn tỷ đồng.
[links()]
 
Năm 2022, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách Ban Quản lý phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ với phương châm “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi”. Đồng thời, tập trung xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả, hiệu lực 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhất là nhiệm vụ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp (CN).
 
Duy trì nhịp phát triển
 
Một trong những thành quả quan trọng mà Ban Quản lý đạt được trong năm 2021, là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì phát triển, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa kiềm chế dịch bệnh, vừa tăng trưởng trong sản xuất”. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhất là chỉ tiêu về thu hút đầu tư đạt 1.859% kế hoạch năm 2021 (3,718/0,2 tỷ USD).
 
Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là một trong những lĩnh vực được Quảng Ngãi tập trung thu hút đầu tư trong thời gian tới. Trong ảnh:  Hoạt động sản xuất tại Nhà máy may Thuyên Nguyên, KCN Tịnh Phong.
Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là một trong những lĩnh vực được Quảng Ngãi tập trung thu hút đầu tư trong thời gian tới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy may Thuyên Nguyên, KCN Tịnh Phong.
Hiện nay, trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có khoảng 350 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 380,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 54 dự án nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD và 296 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 337 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 197 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 63 nghìn lao động. Giá trị sản lượng CN dịch vụ trong năm qua là 180 nghìn tỷ đồng, đạt 121,62% so với kế hoạch và tăng 39,5% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước 17,3 nghìn tỷ đồng, đạt 123,7% so với kế hoạch và tăng 64,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu 1.290 triệu USD, đạt 121,7%. Giải quyết việc làm mới cho trên 10 nghìn lao động, đạt 203% kế hoạch năm.
 
Những con số đó cho thấy KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã giữ vững được nhịp phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao
 
Năm 2022, Ban Quản lý đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt 900-1.000 triệu USD, trong đó vốn thực hiện 30 nghìn tỷ đồng; giá trị sản lượng công nghiệp 180 nghìn tỷ đồng; sản lượng dịch vụ 4.500 tỷ đồng; đóng góp nguồn thu ngân sách trên địa bàn 16 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.300 triệu USD và giải quyết việc làm mới 6.000 lao động.
 
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý Ngô Văn Trọng cho biết, hiện Ban Quản lý đang tập trung hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở tổ chức thực hiện lập quy hoạch phân khu chức năng phù hợp với quy hoạch chung. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ, đồng bộ quy hoạch đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình hạ tầng, trọng điểm như: Đường Trì Bình – cảng Dung Quất; đường trục chính nối trung tâm phía bắc và phía nam đô thị Vạn Tường, các tuyến đường trục vào KCN nặng Dung Quất phía đông; Khu dân cư Hải Nam...
 
“Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đột phá trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển CN của tỉnh, Ban Quản lý đang tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các ngành CN hỗ trợ đối với ngành lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí, sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ điện - điện tử; tiếp tục thu hút CN hỗ trợ ngành dệt may. Cùng với đó, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. 
 
Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư như: KCN đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; Khu đô thị – CN Dung Quất, Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; KCN Bình Hòa - Bình Phước; các dự án điện khí... Ngoài ra, tập trung xây dựng Đề án phát triển KKT Dung Quất trở thành một trong những KKT ven biển trọng điểm của Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”, ông Ngô Văn Trọng chia sẻ.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 

.