Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế

11:03, 01/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Lý Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế. Huyện đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực, đề ra giải pháp để đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, trong đó tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
[links()]
 
Huyện Lý Sơn xác định ngành kinh tế biển và lĩnh vực du lịch là các ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời duy trì nghề trồng hành, tỏi truyền thống. 
 
Chú trọng phát triển kinh tế biển 
 
Hiện nay, Lý Sơn có đội tàu cá với gần 550 chiếc, có tổng công suất gần 77 nghìn CV, thu hút trên 3.500 lao động, sản lượng khai thác năm đạt trên 31 nghìn tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 900 tỷ đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, nguồn lợi hải sản cạn kiệt nên việc vươn khơi đánh bắt của ngư dân gặp khó. Tuy không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng tổng giá trị sản xuất của nghề khai thác thủy sản của huyện vẫn đạt trên 900 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động nghề biển đạt từ 80 - 100 triệu đồng/người/năm. 
 
Huyện Lý Sơn đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Huyện Lý Sơn đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh nghề khai thác hải sản, huyện Lý Sơn còn chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển. Với vài lồng bè được thả nuôi ban đầu, đến nay nghề nuôi trồng thủy sản được các hộ dân đầu tư để mở rộng sản xuất, với sản lượng xuất bán mỗi năm đạt hàng trăm tấn, giá trị đạt vài chục tỷ đồng mỗi năm.
 
Để phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, chính quyền huyện Lý Sơn tranh thủ sự quan tâm của Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng một số hạ tầng nghề cá, trọng tâm là hoàn thành đưa vào sử dụng vũng neo đậu tàu thuyền giai đoạn II; đề xuất Nhà nước hỗ trợ ngư dân Lý Sơn nhiều cơ chế, chính sách mới trong phát triển kinh tế biển... Ngoài nguồn lực tại chỗ của huyện và huy động trong nhân dân, huyện Lý Sơn còn tập trung tận dụng các cơ chế chính sách của Nhà nước ưu tiên cho huyện đảo và từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cho nghề biển, tạo điều kiện để giúp ngư dân giàu lên từ biển và phát triển nghề biển một cách bền vững.
 
Phát triển du lịch bền vững 
 
Những năm qua, cùng với đầu tư phát triển kinh tế biển, huyện Lý Sơn luôn đầu tư phát triển du lịch. Toàn huyện hiện có 135 cơ sở lưu trú, trong đó có nhiều khách sạn, nhà nghỉ được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu lưu trú cùng lúc cho khoảng 4 nghìn du khách. Trước khi có dịch Covid-19, số lượng khách du lịch đến Lý Sơn tăng đột biến, với hàng trăm nghìn lượt người, trong đó có hàng nghìn lượt khách quốc tế. 
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, lượng khách du lịch đến Lý Sơn đã tăng hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Huyện Lý Sơn đã định hướng cho người dân làm du lịch, trong đó tập trung phát triển homestay và du lịch cộng đồng. 
 
Bên cạnh đó, huyện đề xuất tỉnh bổ sung ngân sách để đầu tư tôn tạo, bảo tồn các di tích văn hóa trên địa bàn huyện. Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, huyện Lý Sơn đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; lập quy hoạch chi tiết, lập các đề án, dự án để đầu tư xây dựng, đổi mới mạnh mẽ và tăng cường công tác quản lý. Huy động các nguồn vốn, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của trung ương và của tỉnh, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng...  Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện cơ sở vật chất để xây dựng Lý Sơn trở thành đô thị biển xanh - sạch - đẹp - văn minh, là khu du lịch quốc gia, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.  
 
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, năm 2022, huyện đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2021. Trong đó, tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng như kinh tế biển, du lịch và sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 34 nghìn tấn, với giá trị gần 1 nghìn  tỷ đồng; đón từ 200 -250 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước; sản lượng thu hoạch hành, tỏi và các loại cây trồng khác đạt trên 16 nghìn tấn, với giá trị đạt gần 200 tỷ đồng. thương mại dịch vụ - du lịch đạt gần 1 nghìn tỷ đồng. Để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, huyện sẽ tập trung chỉ đạo, lãnh đạo nỗ lực vượt khó trong trạng thái bình thường mới, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế. 
 
Duy trì nghề trồng hành, tỏi truyền thống
 
Cùng với phát triển kinh tế biển và du lịch, huyện Lý Sơn cũng đang tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trọng tâm là hai cây trồng truyền thống là hành, tỏi, đồng thời bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn trên thị trường.
 
Với trên 300ha đất sản xuất nông nghiệp, mỗi năm nông dân Lý Sơn sản xuất được 3 vụ hành tím, 1 vụ tỏi đông xuân và một số cây xen canh gối vụ. Sản lượng thu hoạch hằng năm của các loại cây trồng này ước đạt trên 15 nghìn tấn, với giá trị đạt trên 700 tỷ đồng, trong đó sản lượng tỏi cho thu hoạch đạt trên 2.500 tấn củ.
 
Bài, ảnh: Văn Mịnh
 
 
 
 
 

.