Phát triển thương mại miền núi, vùng xa, hải đảo: Nhiều vấn đề đặt ra

09:02, 27/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo quy định mới của Chính phủ. Việc áp dụng chương trình này theo quy định phải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
[links()]
 
Chương trình đa mục tiêu
 
Đầu năm 2021, UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, áp dụng tại địa bàn 7 địa phương, gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Lý Sơn, Sơn Hà, Ba Tơ và TX.Đức Phổ. Mục tiêu của chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân... Phấn đấu đến năm 2025, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở khu vực này đạt mức tăng trưởng 9 - 11%/năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế; phát triển sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước; xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi...
 
Chợ trung tâm huyện Lý Sơn đầu tư xây mới đang trong giai đoạn hoàn thành.                                    Ảnh: Thanh Nhị
Chợ trung tâm huyện Lý Sơn đầu tư xây mới đang trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh: Thanh Nhị
Chương trình đặt ra yêu cầu phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn liền quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh; hài hòa giữa phát triển thương mại khu vực này với các vùng miền khác trên cả nước; hài hòa với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Chương trình sẽ xây dựng mô hình thương mại theo cấu trúc địa bàn xã, thị trấn, thị tứ; phát triển chợ đầu mối nông sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh trên địa bàn xã và trung tâm huyện... Đồng thời, gắn thương mại với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm nét văn hóa các dân tộc, để phục vụ khách du lịch và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho nhân dân.
 
Cần sát thực tế hơn
 
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên chương trình của Chính phủ. Tuy nhiên, xây dựng và ban hành chương trình của tỉnh còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế địa phương. Về phạm vi áp dụng, căn cứ vào Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 đã ban hành khá lâu và hiện tại huyện Đức Phổ đã lên thị xã, có nhiều điểm không còn phù hợp với tiêu chí để triển khai chương trình này.
 
Về triển khai nội dung chương trình xây dựng chợ dân sinh trên địa bàn xã và trung tâm huyện còn nhiều vấn đề cần bàn để phát huy hiệu quả, tránh lãnh phí. Thực tế, các chợ trên địa bàn xã, thậm chí là trung tâm huyện tại 7 địa phương nói trên nhiều nơi không phát huy tác dụng. Tình trạng xây dựng chợ ồ ạt, nhưng xây xong bỏ hoang khá nhiều, không hoạt động, gây nhếch nhác và lãng phí ngân sách.
 
 Về hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương vào hệ thống mạng lưới thương mại trong tỉnh và xuất khẩu theo đường chính ngạch, theo các địa phương là một mục tiêu quá lớn đối với Quảng Ngãi. Bởi lẽ, sản phẩm nông sản của Quảng Ngãi hiện có xuất khẩu, nhưng hầu như chỉ theo con đường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, bộ ngành và địa phương liên tục có văn bản khuyến cáo không nên xuất khẩu nông sản qua con đường tiểu ngạch, do lượng hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu quá lớn...
 
 Điều quan trọng nhất để thực hiện chương trình này là nguồn kinh phí. Trong kế hoạch chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, ghi rõ: Kinh phí từ ngân sách, huy động xã hội hóa. Trong khi ngân sách hạn hẹp, cơ chế xã hội hóa đang dần thu hẹp, khó thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nên nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình sẽ rất khó khăn. Nhìn lại giai đoạn trước đó (2016 - 2020), kế hoạch phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo quy định kinh phí thực hiện khá lớn, nhưng thực tế phân bổ cả giai đoạn chưa đến 10%. Cũng trong giai đoạn này, nhiều dự án tư nhân đầu tư vào lĩnh vực thương mại, chủ yếu là đầu tư chợ đã phải tạm dừng, thậm chí là hủy bỏ, do vướng mắc từ cơ chế. Vì thế, rất nhiều nội dung chương trình đề ra về phát triển thương mại, nhưng không thực hiện được.
 
THANH NHỊ
 
 

.