Mô hình nuôi thủy sản kết hợp: Hiệu quả bước đầu

02:01, 07/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Người dân các địa phương trong tỉnh đã áp dụng mô hình nuôi thủy sản kết hợp, xen ghép nhiều đối tượng trên cùng một diện tích, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 
 
Vùng nuôi tôm trên cát ở các xã ven biển của huyện Mộ Đức nhiều năm trước bị bỏ hoang, vì dịch bệnh triền miên, đẩy người nuôi vào cảnh thua lỗ, nợ nần. Nhưng những năm gần đây, khu vực này trở nên sôi động, người dân thành công với mô hình nuôi kết hợp ốc hương với tôm, hải sâm, cá. Ông Phan Thanh Thức, ở xã Đức Phong (Mộ Đức), từng thất bại với con tôm, giờ chuyển sang nuôi ốc hương ghép với hải sâm theo mô hình nuôi thử nghiệm của Trung tâm Giống Quảng Ngãi. Ông Thức chia sẻ, nuôi ghép hải sâm với ốc hương, tôi thấy môi trường nước trong ao nuôi sạch hơn so với nuôi riêng con tôm, ốc hương như trước đây. Nhờ vậy, ốc hương ít bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao. 
 
Sau gần 7 tháng thả nuôi kết hợp ốc hương với cá măng, cá dìa, gia đình ông  Ngô Tiến Dũng, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), đã thu lãi được 380 triệu đồng.
Sau gần 7 tháng thả nuôi kết hợp ốc hương với cá măng, cá dìa, gia đình ông Ngô Tiến Dũng, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), đã thu lãi được 380 triệu đồng.
Từ thành công của mô hình nuôi ốc hương kết hợp tôm, hải sâm, năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai mô hình nuôi thử nghiệm ốc hương ghép với cá măng, cá dìa trong ao. Mô hình này được thực hiện tại huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ, với tổng diện tích 14 nghìn mét vuông. Qua 7 tháng nuôi, ốc hương, cá măng và cá dìa sinh trưởng, phát triển tốt, lãi trung bình từ 160 - 340 triệu đồng/hồ (2.000m2). Anh Ngô Tiến Dũng, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), hộ nuôi thử nghiệm ốc hương kết hợp với cá măng, cá dìa phấn khởi cho biết, sau 7 tháng nuôi trên diện tích ao 2.000m2, tôi thu hoạch được 4 tấn ốc hương. Với giá bán từ 200 -  220 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu về 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 380 triệu đồng. Sau khi kết thúc mô hình này, tôi sẽ tiếp tục nuôi kết hợp ốc với cá.
 
Mô hình nuôi thủy sản kết hợp trên cùng một diện tích đã góp phần chuyển dịch nghề nuôi trồng thủy sản trên cát, bước đầu khắc phục được ô nhiễm trong các ao nuôi. “Mô hình nuôi ghép các đối tượng thủy sản trên cùng diện tích đang giúp hồi sinh nghề nuôi trồng thủy sản trên cát. Trong vụ tới, tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình này”, ông Trần Văn Phương, ở xã Đức Phong cho hay. 
 
Phó Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đào Tư Hiền cho biết, cá măng và cá dìa là hai loài có thời gian sinh trưởng phù hợp với ốc hương và thức ăn chính là rong, tảo. Do vậy, triển khai mô hình nuôi ốc hương ghép với cá măng, cá dìa để giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ, tạo cân bằng sinh học trong môi trường ao nuôi.  Ngoài ra, ốc hương là loài sống vùi trong cát ở tầng đáy của ao, nên việc nuôi ghép cá măng, cá dìa ngoài yếu tố cải thiện môi trường ao nuôi còn góp phần khai thác hiệu quả tầng nước trong ao nuôi, tăng thu nhập cho hộ nuôi.
 
Cùng với các mô hình nuôi ốc hương đơn, ốc hương ghép với hải sâm, cá... mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, trên địa bàn tỉnh còn triển khai các mô hình nuôi cá bớp, cá măng, tôm hùm, hàu Thái Bình Dương, với diện tích lên đến gần 1.560ha, sản lượng ước đạt 8.340 tấn/năm. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, những mô hình nuôi ghép các đối tượng thủy sản có đặc tính bổ trợ lẫn nhau, đã giúp hạn chế dịch bệnh, cải thiện môi trường ao nuôi, tăng thu nhập cho người nuôi. Do vậy, người dân cần mạnh dạn áp dụng những quy trình, kỹ thuật mới để phát triển nghề nuôi thủy sản một cách bền vững.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.