Sản phẩm đạt chuẩn OCOP: Hướng đến phát triển bền vững

04:12, 26/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 47 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh và 18 sản phẩm đang đánh giá. Trong những sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, có nhiều loại rau xanh, trái cây... là những cây trồng truyền thống, chủ lực, “đại diện” cho các địa phương. Sản phẩm OCOP không chỉ duy trì chất lượng, mà cần định hướng phát triển bền vững trong tương lai.
[links()]
 
Nâng tầm cây trồng truyền thống
 
Xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) có hơn 270ha trồng các loại rau màu, trong đó dưa leo, bí đao có sản lượng thu hoạch lớn. Ông Đặng Văn Minh, ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà cho hay, dưa leo và bí đao trồng xen vụ lẫn nhau, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, vận chuyển và bảo quản thuận lợi. Do đó, khi biết dưa leo và bí đao được chọn tham gia OCOP cấp tỉnh, tôi vui lắm. Bởi điều này giúp nâng cao giá trị của những loại cây trồng truyền thống ở địa phương.
 
Nông dân xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) chăm sóc dưa leo.
Nông dân xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) chăm sóc dưa leo.
Có thế mạnh về nghề nông, nhiều địa phương đã phát huy tiềm năng của các loại cây trồng truyền thống. Như tại xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), diếp cá là cây trồng truyền thống lâu đời, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa. Từ lâu, nghề trồng rau diếp cá giúp giải quyết khá lớn công lao động ở địa phương. “Áp dụng quy trình trồng VietGAP, giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định. Toàn xã có gần 20ha, với hơn 180 hộ trồng, sản lượng thu hoạch khoảng 14 nghìn tấn/năm, địa phương đã chọn cây diếp cá để tham gia OCOP”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Châu Đặng Hoàng Sơn nói.
 
Cùng với bưởi, sầu riêng, chôm chôm tại vùng trung du Nghĩa Hành, chuối ngự của xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) cũng góp mặt trong danh sách các sản phẩm OCOP cấp tỉnh mới nhất. Với diện tích 30ha trồng tại vùng đất bãi bồi ven sông, chuối ngự là cây trồng truyền thống mang lại thu nhập khá cho người nông dân. “Việc đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh 3 sao, giúp nhiều người biết đến chuối ngự Hành Tín Đông hơn. Chúng tôi kỳ vọng, sản phẩm chuối ngự có giá trị kinh tế cao, sẽ thu hút nhân lực, nhất là thanh niên trẻ năng động, sáng tạo tiếp cận thị trường tham gia vào HTX”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hành Tín Đông Trương Lưu chia sẻ.
 
Phát triển sản phẩm sau đạt chuẩn OCOP
 
Để đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, sản phẩm phải qua các vòng đánh giá khắt khe. Tham gia OCOP cũng là cơ hội để chủ thể được nhìn nhận toàn diện về sản phẩm; đồng thời khắc phục những thiếu sót của nhãn hiệu, bao bì, tiếp cận thị trường, quản lý, điều hành... Đạt chuẩn OCOP đã khó, vấn đề giữ chuẩn OCOP cũng là điều đáng quan tâm, nhất là với những sản phẩm như rau xanh, trái cây, bởi đây là những sản phẩm phụ thuộc khá lớn vào diện tích, thời tiết, mùa vụ. Cùng với đó, chất lượng sản phẩm còn phụ thuộc vào quá trình canh tác của người trồng.
 
Một số sản phẩm nước mắm truyền thống đạt chuẩn OCOP  được bày bán tại Hệ thống cửa hàng OCOP tỉnh.
Một số sản phẩm nước mắm truyền thống đạt chuẩn OCOP được bày bán tại Hệ thống cửa hàng OCOP tỉnh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ngô Văn Hưng, sản phẩm OCOP là niềm tự hào của địa phương, do đó chủ thể cần phải có trách nhiệm để duy trì, bảo vệ chất lượng OCOP đã đạt chuẩn. Định kỳ hằng năm, hội đồng đánh giá, phân hạng có kế hoạch kiểm tra lại các sản phẩm đã đạt OCOP và sau ba năm sẽ đánh giá lại sản phẩm. Đối với những chủ thể sản phẩm vi phạm các quy định của chương trình sẽ bị đề xuất xử lý. Những sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh được hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các cửa hàng OCOP, hội chợ, siêu thị...
 
Bên cạnh đó, định hướng quan trọng sau khi đạt chuẩn OCOP, đó là tạo điều kiện để sản phẩm vươn xa, khuyến khích chế biến sau thu hoạch, giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Với định hướng này, nhiều địa phương đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời bắt tay vào tìm hiểu, liên kết để sản xuất, chế biến sản phẩm. Để làm được điều này, cần sự đầu tư lớn về nguồn lực sản xuất, cũng như chú trọng đến khâu tìm hiểu, tiếp cận thị trường.
 
Thêm 16 sản phẩm OCOP
 
UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt kết quả, phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP đợt 1 - năm 2021. Các sản phẩm được công nhận đợt này thuộc các địa phương Mộ Đức, Nghĩa Hành, Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi. Trong đó, có 1 sản phẩm của 1 chủ thể được công nhận đạt 4 sao, 15 sản phẩm của 9 chủ thể đạt 3 sao.
 
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 
 
 
 
 

.