(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn tỉnh có nhiều hợp tác xã (HTX) được thành lập mới, nhưng số thành viên tham gia không nhiều. Nguyên nhân là do HTX chưa thật sự trở thành chỗ dựa trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
[links()]
Cần tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ
Trong thời buổi kinh tế thị trường, nếu các HTX nông nghiệp (HTXNN) không thay đổi tư duy, đổi mới phương thức hoạt động, mà chỉ phụ thuộc vào lĩnh vực cấp bù thủy lợi phí và một số dịch vụ nhỏ lẻ, thì chắc chắn sẽ không thể phát triển. Nhận thức được điều này, những năm gần đây, nhiều HTXNN đã chủ động mở rộng các dịch vụ, tạo ra được chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cho HTX và nông dân.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đã làm cầu nối liên kết giữa Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi với nông dân để sản xuất bắp sinh khối. |
Giám đốc HTXNN Bình Dương Bạch Hùng cho biết, muốn nông dân tham gia vào HTX thì HTX phải tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Thời gian qua, HTX đã liên kết với các DN trong sản xuất lúa giống, đem lại lợi nhuận cao cho xã viên, nông dân. Bên cạnh đó, vào mỗi mùa vụ sản xuất, HTX đã hỗ trợ nông dân mua phân bón theo hình thức trả chậm, giá thấp hơn thị trường.
Tương tự, HTXNN Hành Nhân cũng đã thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia vào HTX. Năm 2020, HTX có 679 thành viên, đến nay đã tăng lên 729 thành viên. Theo Giám đốc HTXNN Hành Nhân Nguyễn Văn Đóa, cái khó trong phát triển NN hiện nay chính là nông sản làm ra luôn rơi vào điệp khúc “được giá mất mùa, được mùa mất giá”. Vì thế, một khi nông dân thấy được năng lực của HTX thì sẽ tự nguyện tham gia vào HTX, từ đó thuận lợi cho HTX hoạt động và tổ chức sản xuất.
Năng động với cơ chế thị trường
Bên cạnh những HTX chủ động đổi mới, linh hoạt thích ứng với thị trường, thì vẫn còn nhiều HTX thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, dù đã thành lập nhiều năm nhưng một số HTX chỉ có hơn chục thành viên tham gia. Một số HTX sau một thời gian ngắn thành lập đã tự tan rã, vì Ban quản trị HTX không có năng lực, không tâm huyết vì lợi ích chung... Việc thu hút thành viên tại các HTX miền núi cũng gặp nhiều khó khăn, vì người dân chưa quen với kinh tế tập thể. Có HTX đã táo bạo đưa cây trồng mới về sản xuất tại địa phương, nhưng vì không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng dẫn đến thất bại. Đơn cử như dự án trồng cây sachi của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Ba Tiêu (Ba Tơ).
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến nhiều người dân e ngại khi tham gia vào các HTX, đó là phải đóng phí thành viên trung bình từ 300 - 400 nghìn đồng/người. Trong khi đó, trước mắt nông dân vẫn chưa thấy được năng lực kết nối thật sự của HTX trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thậm chí, đã từng có trường hợp, HTX vận động người dân tham gia trồng bí đỏ để bán cho DN. Tuy nhiên, sau khi người dân trồng đến vụ thu hoạch thì DN lại không đến thu mua, đẩy nông dân vào thế khó.
Ở tỉnh ta, ngoài trồng cây lúa thì dưa hấu, ớt là hai loại cây được nông dân trồng nhiều nhất vì phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện tại dường như chưa có HTXNN nào đảm nhận được vai trò kết nối với DN để tiêu thụ hai loại nông sản này cho nông dân. Mấu chốt của vấn đề là chỉ khi nào các HTXNN mang lại lợi ích thiết thực thì nông dân mới vào HTX.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA