Thực hiện linh hoạt, đảm bảo cân đối thu, chi

06:12, 02/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Để chủ động trong công tác điều hành ngân sách năm 2022, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thu, chi theo hướng đổi mới, linh hoạt trong điều hành; kiên quyết chống thất thu trong nhiều lĩnh vực...
[links()]
 
Kiên quyết chống thất thu ngân sách
 
Năm 2022, Quảng Ngãi sẽ thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu đối với một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh”, giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là nhằm đảm bảo công tác thu thuế sát với thực tế kinh doanh, tạo ra sự công bằng, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, góp phần thu ngân sách kịp thời, không để thất thu.
 
Doosan Vina (KKT Dung Quất) xuất thiết bị khử mặn đi Ả Rập Xê Út.                 ẢNH: DS
Doosan Vina (KKT Dung Quất) xuất thiết bị khử mặn đi Ả Rập Xê Út. ẢNH: DS

 

Theo đó, Quảng Ngãi sẽ triển khai chống thất thu thuế trên các lĩnh vực: Tài nguyên khoáng sản, bất động sản, tài sản công và thương mại điện tử. Đây là những lĩnh vực mà thời gian qua, việc quản lý nguồn thu chưa đầy đủ, kịp thời, do thiếu sự phối hợp trong việc quản lý nguồn thu, dẫn đến thất thu. Điều này đòi hỏi, việc quản lý thu không chỉ có trách nhiệm của ngành thuế, mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan tài chính, tài nguyên môi trường, công an và chính quyền địa phương.

 
Đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tỉnh sẽ quản lý đảm bảo kê khai, tính thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo đúng sản lượng khai thác thực tế. Đồng thời, xây dựng giá tính thuế phù hợp với giá thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, mua bán, sử dụng và chấp hành kê khai thuế, sử dụng hóa đơn, chứng từ, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Những năm trước, việc quản lý nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản khá lỏng lẻo, dẫn đến tài nguyên khai thác ồ ạt, mà số thu ngân sách không đáng kể. 
 
“Lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng phát triển, nếu không quản lý tốt sẽ tạo ra sự không công bằng trong kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách. Mới đây, Cục Thuế tỉnh đã lập hồ sơ xử lý, bước đầu truy thu được hơn 100 triệu đồng. Số thu này tuy nhỏ, nhưng khẳng định việc tăng cường chống thất thu của tỉnh trên lĩnh vực này bước đầu đã có kết quả".
 
Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi NGUYỄN VĂN TIẾP

Đơn cử như trong cấp phép khai thác cát: Năm 2017, tỉnh cấp giấy phép cho 9 mỏ cát, nhưng thu ngân sách chỉ 5 tỷ đồng; năm 2018, cấp 34 mỏ cát, thu ngân sách khoảng 49 tỷ đồng; 6 tháng năm 2019, cấp giấy phép khai thác cho 9 mỏ, thu về 4,7 tỷ đồng. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã chấn chỉnh, số thu đã được cải thiện, cụ thể: Từ tháng 7/2019 đến nay,  mặc dù chỉ cấp phép 3 mỏ cát, nhưng số thu ngân sách qua đấu giá thương mại đã thu về khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu này vẫn chưa tương xứng với tài nguyên khoáng sản đã khai thác.

 
Với lĩnh vực bất động sản, tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ đối tượng kinh doanh, xây dựng giá chuyển nhượng, giá cho thuê bất động sản phù hợp với giá thị trường để làm cơ sở tính thuế. Đẩy mạnh kiểm tra giám sát hồ sơ thuế, phối hợp kịp thời việc luân chuyển thông tin giữa các cơ quan trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản. Bởi lâu nay, nguồn thu từ kinh doanh bất động sản bị thất thoát khá lớn. Đặc biệt là, đợt "sốt" giá đất vào năm 2019, giá tính thuế dựa vào hợp đồng chuyển nhượng rất thấp, song giá đất trên thị trường cao gấp rất nhiều lần. Năm 2022, Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu thu 3.100 tỷ đồng tiền sử dụng đất, việc tăng cường quản lý chống thất thu từ kinh doanh bất động sản càng đòi hỏi phải làm quyết liệt, hiệu quả hơn.
 
Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, mặc dù số thu ngân sách phát sinh không đáng kể, song theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi Nguyễn Văn Tiếp, cần thiết phải đưa vào đề án để quản lý kịp thời.
 
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chủ trương của tỉnh và ngành thuế là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cũng đề ra biện pháp quản lý tốt nguồn thu. Việc thu thuế đúng, đủ, kịp thời sẽ tạo sự công bằng trong việc chấp hành chính sách thuế, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và tăng thu cho ngân sách địa phương.
 
Linh hoạt trong công tác điều hành ngân sách
 
Năm 2021, chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 12,985 nghìn tỷ đồng, bằng 107,8% dự toán trung ương giao, gần bằng 99% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 77,1% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến năm 2021, thu ngân sách từ nguồn thu tiền sử dụng đất không đạt dự toán HĐND tỉnh giao. Vì vậy, HĐND tỉnh đã điều chỉnh giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn tiền sử dụng đất là 850 tỷ đồng. Công tác điều hành chi ngân sách năm 2021 đã phù hợp với thực tiễn. Đó là, giảm chi tương ứng với giảm thu. Cụ thể, chi thường xuyên giảm  62 tỷ đồng, chi cho đầu tư xây dựng cơ bản cắt giảm mạnh, chỉ ưu tiên cho các dự án trọng điểm. Đối với các khoản chi tạm ứng chưa đủ điều kiện, đã kịp thời thu hồi.
 
Năm 2022, Quảng Ngãi sẽ tăng cường chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.  Trong ảnh:  Khai thác cát trên sông Trà Khúc, đoạn qua TP.Quảng Ngãi.                                   Ảnh: T.NHỊ
Năm 2022, Quảng Ngãi sẽ tăng cường chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Trong ảnh: Khai thác cát trên sông Trà Khúc, đoạn qua TP.Quảng Ngãi. 
Theo dự báo, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 (số thu nội địa) trên địa bàn tỉnh sẽ đạt và vượt dự toán được giao. Tuy nhiên, do 2 năm liên tiếp (2019 - 2020) Quảng Ngãi hụt thu ngân sách lớn, dẫn đến mất cân đối thu, chi, đến nay vẫn chưa có nguồn nào để có thể bù được khoản hụt thu trước đó. Nguyên nhân là dù hụt thu lớn nhưng lại không điều chỉnh giảm chi tương ứng. Hơn nữa, nhiều công trình, dự án đầu tư ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn và chưa thật sự cấp bách, cần thiết nhưng vẫn thực hiện, dẫn đến nợ “dồn toa” từ năm này sang năm khác.
 
Năm 2022, Bộ Tài chính giao dự toán cho Quảng Ngãi thu ngân sách (số thu nội địa) 11,657 nghìn tỷ đồng. Dự toán tỉnh xây dựng giao cho ngành thuế thu 15,957 nghìn tỷ đồng, tăng so với trung ương giao 4.300 tỷ đồng. Dự lường được những khó khăn trong năm 2022 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đã kịp thời kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương tháo gỡ các vướng mắc; giảm tỷ lệ điều tiết về trung ương, tạo điều kiện để Quảng Ngãi đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách. Qua đó, trung ương đã cơ bản thống nhất giảm điều tiết ngân sách về trung ương cho Quảng Ngãi từ 12% xuống còn 7%. Như vậy, ngân sách tỉnh sẽ được hưởng 93% trên tổng thu ngân sách.
 
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện cho biết, sau khi thảo luận trực tiếp với các sở, ban, ngành và các địa phương, Sở Tài chính dự kiến tổng chi ngân sách năm 2022 của tỉnh là 13,743 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển 4.708 tỷ đồng, tăng 2.245 tỷ đồng so với trung ương giao; chi thường xuyên 8.731 tỷ đồng, tăng 506 tỷ đồng so với trung ương giao; chi tạo nguồn cải cách tiền lương 1.561 tỷ đồng; dự phòng ngân sách 299 tỷ đồng... 
 
Công nhân Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành sản xuất hàng xuất khẩu.  Ảnh: T.Nhị
Công nhân Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành sản xuất hàng xuất khẩu.

 

“Hiện nay, ngành tài chính đã chủ động triển khai các phương án chi linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn; quyết tâm giảm chi tương ứng với giảm thu. Đặc biệt, chi ngân sách sẽ ưu tiên cho nhiệm vụ cấp bách, phục vụ con người, cắt giảm đầu tư công đối với các công trình chưa thật sự cấp bách, nếu tình hình hụt thu xảy ra. Cùng với đó là thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách...", ông Luyện nhấn mạnh.

 
T.NHỊ - H.HOA
 
 

.