(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, cứ đến mùa biển động, ngư dân làm nghề đánh bắt cá bằng lưới cước ven bờ lại bước vào mùa làm ăn.
[links()]
Từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, trong khi đa số các tàu thuyền chuyên đánh bắt ở vùng khơi, vùng lộng đều nằm bờ, thì vùng biển ven bờ của tỉnh lại nhộn nhịp các ghe nhỏ, thúng chai của ngư dân làm nghề săn cá lưới cước. Tại bãi biển xã Đức Minh (Mộ Đức), vừa tranh thủ gỡ cá để bán cho thương lái sau một đêm đánh bắt, ngư dân Đào Hải vui mừng chia sẻ, vào mùa biển động, việc vươn khơi vất vả nhưng bù lại, giá cá những tháng này nhỉnh hơn mùa biển êm từ 30 - 80 nghìn đồng/kg tùy loại. Do đó, ngư dân vùng bãi ngang ai nấy cũng đều tranh thủ đánh bắt, kiếm thu nhập.
Làng chài ở xã Bình Châu (Bình Sơn) nhộn nhịp không khí đánh bắt cá vào mùa biển động. |
Đánh bắt cá lưới cước không chỉ là nghề truyền thống của ngư dân chuyên đánh bắt ven bờ, mà đây còn là nghề “tay trái” của các ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ. “Mùa biển êm, tôi theo tàu câu mực xà đi đánh bắt ở vùng khơi, 3 tháng mới về đất liền. Còn mùa biển động, khi tàu câu khơi nằm bờ, tôi sắm thúng ra vùng biển cách cửa Sa Cần khoảng 3 - 4 hải lý để thả lưới. Cứ 2 - 3 giờ sáng đi, rồi 8 - 9 giờ sáng về bờ là thu được vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Nhờ vào nghề này mà tôi có việc làm và thu nhập đều trong 3 tháng nghỉ câu mực xà”, ngư dân Đoàn Trưởng, xã Bình Đông (Bình Sơn), cho biết.
Những mẻ cá vừa được thu hoạch ở gần bờ. |
Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 500 ngư dân hành nghề lưới cước vào mùa biển động. Mùa này, dòng nước đáy bị xáo động, nhiều loại cá di chuyển lên tầng nước nổi, nên ngư dân đánh bắt được sản lượng khá. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong mùa biển động, trước khi ra khơi, ngư dân nên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để chủ động trong đánh bắt. Khi hoạt động trên biển phải mặc áo phao, tuyệt đối không được ra biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
Bài, ảnh:
M.DUYÊN- Ý THU