Phòng dịch bệnh cho gia súc

10:10, 22/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại, thì bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương thì cũng rất cần sự hợp tác của người dân.
[links()]
 
Người dân chủ động
 
Từ đầu năm đến nay, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) có 850 con trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục (VDNC) và lở mồm long móng (LMLM), trong đó có 22 con bị chết. Để khống chế dịch bệnh, chính quyền địa phương đã tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trọng tâm là tiêm 3.350 liều vắc xin VDNC, 1.000 liều vắc xin LMLM và 800 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò. Người dân xã Phổ Khánh cũng chủ động mua các loại vắc xin để tiêm cho trâu, bò. “Nhà có 10 con bò bị mắc bệnh VDNC và đã được chữa khỏi, nhưng ảnh hưởng về thể trạng. Vì vậy, ngoài những con bò được Nhà nước hỗ trợ tiêm vắc xin, tôi cũng chủ động mua và tiêm một số vắc xin phòng bệnh VDNC, LMLM hay tụ huyết trùng cho số bò còn lại, để hạn chế thấp nhất thiệt hại”, anh Phạm Hòa Phát, ở xã Phổ Khánh, chia sẻ.
 
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò.  Ảnh: MỸ HOA
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò. Ảnh: MỸ HOA
Người dân một số địa phương trong tỉnh còn tự mua 23.690 liều vắc xin phòng bệnh VDNC để tiêm cho trâu, bò. Nhiều nhất là huyện Mộ Đức, người dân tự mua 14.140 liều cùng với 1.000 liều vắc xin tỉnh phân bổ để tiêm cho đàn trâu, bò. Vì vậy, Mộ Đức là một trong những địa phương kiểm soát khá tốt dịch VDNC trên trâu, bò, khi không phát sinh ổ dịch mới sau 21 ngày.
 
Cùng với tự mua vắc xin phòng bệnh cho gia súc, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn chủ động giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh cho cán bộ thú y địa phương; đồng thời hợp tác với lực lượng chức năng triển khai thực hiện hiệu quả “Tháng tiêu độc, khử trùng môi trường” đợt 1/2021. Điều này đã góp phần rất lớn vào việc kiểm soát và dập dịch trên địa bàn tỉnh.
 
Nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh 
 
Là địa phương có số trâu, bò mắc bệnh VDNC nhiều nhất tỉnh, với khoảng 5.000 con (trong đó có 369 con bị chết), nên chính quyền huyện Bình Sơn đã triển khai thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch gắn với tiêm vắc xin phòng bệnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, cùng với 4.000 liều vắc xin tỉnh cấp, huyện trích ngân sách mua 25.000 liều để tập trung tiêm phòng cho trâu, bò. Đến nay, tình hình dịch bệnh VDNC trên trâu, bò trên địa bàn huyện đã được kiểm soát và khống chế.
 
Trong khi đó, huyện Ba Tơ đã chủ động mua 25.000 liều vắc xin và sớm tiêm phòng cho đàn trâu, bò đạt 86%, dẫn đầu tỉnh. Dù là địa phương miền núi với tổng đàn trâu, bò là 32.555 con (đứng thứ nhì toàn tỉnh), nhưng trên địa bàn huyện Ba Tơ có 305 con trâu, bò mắc bệnh VDNC và hầu hết đều được chữa khỏi, chỉ có 2 con bị chết.
 
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ, với sự chủ động và tích cực của người dân, chính quyền các địa phương và ngành chuyên môn, đến thời điểm này, hầu hết các ổ dịch trên đàn vật nuôi đã được kiểm soát và khống chế. Riêng bệnh VDNC có 17.239/18.081 con trâu, bò đã được chữa khỏi bệnh và toàn tỉnh không phát sinh ổ dịch sau 21 ngày. Tuy nhiên, trong điều kiện mưa bão, dịch bệnh rất dễ bùng phát, nếu người dân không quan tâm chăm sóc và vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt, toàn tỉnh chỉ mới tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho 152.510/298.167 con trâu, bò thuộc diện tiêm (đạt 51%), nên nguy cơ tái bùng phát và lây lan dịch là rất lớn.
 
“Chính quyền các địa phương cần chủ động mua và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, đặc biệt là bệnh VDNC cho trâu, bò. Tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm nâng cao hiệu quả tái đàn, đảm bảo phục vụ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong điều kiện chống dịch Covid-19, đặc biệt là dịp cuối năm”, ông Hạ cho biết.
 
 
Thiệt hại gần 100 tỷ đồng
 
Từ tháng 3/2021 đến ngày 30/9/2021, toàn tỉnh có 18.081 con trâu, bò mắc bệnh VDNC (trong đó có 842 con bị chết); 1.373 con gia súc bị mắc bệnh LMLM (trong đó có 144 con bị chết) và 1.696 con heo bị chết và tiêu hủy, do mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi. Ước tính thiệt hại gần 100 tỷ đồng.

 

M.HOA - H.HOA
 
 
 
 
 

.